Trong bài công bố ngày 21-7 trên tạp chí khoa học PLOS Panthogens, nhóm nghiên cứu đã mô tả cách họ dùng một cách hoàn toàn khác biệt - sử dụng DNA của vi khuẩn đã được sửa đổi - để tạo ra vắc-xin ngừa Covid-19.
Cụ thể, họ đã xây dựng các plasmid - tức phân tử DNA vòng, nhỏ, không mang hệ gien chính của bộ gien - từ vi khuẩn, đã được biến đổi gien để chứa các mảnh vật liệu di truyền nhắm mục tiêu vào các lỗ hổng trong protein độ biến của virus SARS-CoV-2.
Tờ Medical Xpress dẫn lời giáo sư Maurizio Zanetti, người đứng đầu Phòng thí nghiệm miễn dịch học tại Trung tâm Ung thư UC San Diego, tác giả cấp cao của nghiên cứu, cho hay phương pháp này lâu bền và hiệu quả hơn so với vắc-xin Covid-19 "truyền thống".
"Các chi tiết phức tạp, nhưng nguyên tắc cơ bản thì đơn giản. Chúng dựa trên các nguyên tắc và phương pháp nổi tiếng đã được chứng minh" - ông khẳng định.
Giáo sư Zanetti nhấn mạnh "chất lượng hơn số lượng", tìm kiếm sự cảm ứng của các kháng thể ưu tiên ngăn chặn virus liên kết với thụ thể của tế bào và khả năng lây truyền của virus đó. Điều này dẫn đến phản ứng tập trung hơn của kháng thể so với vắc-xin kiểu cũ.
Plasmid của nhóm nghiên cứu chứa các chất miễn dịch - các phân tử khiến tế bào lympho B tạo ra kháng thể. Tê bào lympho B trung bình có thể tạo ra 1.000 phân tử kháng thể mỗi ngày, một trong những "nhà máy" mạnh mẽ nhất trong cơ thể.
Thử nghiệm trên chuột cho thấy khả năng của loại vắc-xin thế hệ mới này có hiệu quả tương tự nhau ở mọi biến chủng Covid-19, bao gồm Beta, Delta và Omicron. Vắc-xin "truyền thống" hiện đang gặp rắc rối lớn nhất là hiệu quả đối với Omicron kém hơn các chủng trước, đặc biệt là với các biến chủng phụ mới.
Nhóm nghiên cứu vẫn đang hướng tới việc sản xuất ra vắc-xin này theo hướng tạo nên một viên uống hoặc một loại thuốc xịt mũi chứa vắc-xin, sau đó tiến tới bước thử nghiệm lâm sàng.