Lương thiện cao nhất, nhất định phải học được cảm thông
Trong câu chuyện “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”, kể về một bệnh nhân tâm thần luôn nghĩ rằng bản thân mình là một cây nấm, thế là anh ta ngồi xổm trong góc, mỗi ngày đều không ăn uống gì cả, giống như một cây nấm thực sự vậy.
Nếu muốn chữa trị cho anh ta thì chúng ta phải xử lý thế nào? Chúng ta có thể nói:“Anh không phải cây nấm, mau đứng dậy đi”. Nhưng dù có nói hàng trăm lần, thậm chí có thể trói anh ta lại, bệnh nhân vẫn làm một cây nấm thờ ơ, bất động.
Tuy nhiên, một bác sĩ tâm lý đã tới, ông cũng cầm một chiếc ô, ngồi xổm bên cạnh bệnh nhân. Bệnh nhân thấy lạ bèn hỏi: “Ông là ai?”
Bác sĩ trả lời: “Tôi cũng là một cây nấm”. Bệnh nhân gật đầu và tiếp tục làm cây nấm. Sau khi ngồi được một hồi, bác sĩ đứng dậy và bước đi.
Bệnh nhân hỏi một cách bối rối: “Ông là một cây nấm mà sao ông có thể di chuyển vậy?” Bác sĩ nói: “Nấm cũng có thể di chuyển được mà”. Bệnh nhân lại nói: “Ồ, thì ra nấm cũng có thể di chuyển”. Cho nên anh ta cũng di chuyển theo.
Sau đó bác sĩ bắt đầu ăn cơm, anh ta liền hỏi: “Sao ông có thể ăn cơm vậy?”. Bác sĩ trả lời: “Nấm không ăn cơm thì làm sao mà lớn lên được?”. Bệnh nhân cảm thấy đúng nên cũng bắt đầu ăn cơm. Sau vài tuần, người này đã có thể sinh hoạt như một người bình thường.
Câu chuyện này cho chúng ta một gợi ý: Đồng cảm nói khó thì rất khó, nhưng nói dễ cũng rất dễ, chỉ là khi thấy người khác gặp rắc rối, bạn có thể cúi xuống và cùng anh ta làm cây nấm hay không?
Phật giáo cho rằng,lương thiệncũng là một loại trí tuệ, hơn nữa còn là trí tuệ đỉnh cao bởi để thiện thì cần có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. Vì thế, làm người khó nhất không phải là giàu có, thành công, nổi danh mà khó nhất là lương thiện.
Giữ cái lương thiện trong tâm, Phật dạy người 3 điều để lương thiện tỏa ra từ tâm, không khoa trương hay kiểu cách.
Không tranh cãi với người khác
Trong Đạo Đức kinh của Lão Tử có nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”, người thiện thì không tranh cãi, người tranh cãi thì không còn lương thiện nữa. Người tốt sẽ không nói lời gian dối, người nói lời gian dối thì không phải người tốt. Khi có sự việc bất đồng, người lương thiện không tranh giành đúng sai, người lương thiện biết đưa ra quan điểm, biết nhẫn nhịn và bỏ qua.
Nhẫn nhịn là cảnh giới cao nhất của tu dưỡng.
Không dồn ép người khác
Phật dạy làm người quan trọng nhất là có “tâm”, tâm ấy không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh. Người đã đi tới đường cùng, không nên dồn ép, người đã thấy được cái sai không nên vạch mặt, người đã nhận ra lỗi lầm không nên hạch sách. Trời đất rộng mênh mông “quay đầu lại là bờ” cho người khác một cơ hội chuộc lỗi, sửa sai cũng là cách làm một người lương thiện.
Không tự hãm bản thân
Bản chất con người là lương thiện, không cần cố gắng cũng lương thiện, vì thế đừng tự hãm sự thiện lương ấy của bản thân bằng những cầu danh, cầu lợi, cầu tiền, cầu tình.
Hướng con người tới sự lương thiện, tức là giải thoát chúng sinh khỏi những ràng buộc khổ đau, trở về với bản ngã nguyên sơ, tốt đẹp buổi ban đầu. Trong bản ngã mỗi người đều có thiện lương, tu dưỡng là để phát huy thiện lương một cách cao nhất. Đừng tự hãm bản thân trong vòng quay của tham, sân, si, của dục vọng và những toan tính, thiện bất cứ khi nào có thể, như bản năng, như điều bình thường nhất của cuộc sống.
Làm người lương thiện là cách hay nhất hóa giải những muộn phiền trong đời. Sống lương thiện là cách sống dễ nhất nhưng cũng là khó nhất, người lương thiện là người thiệt thòi nhất nhưng cũng hưởng nhiều phúc báo nhất. Vì thế, mỗi ngày hãy tự nhủ với mình, ta đi đường khó nhưng là đường đúng, ta sống lương thiện vì đó là bản chất của ta, không phải vì cố gắng.