Ẩn họa từ việc công khai dữ liệu cá nhân
Livestream được nhiều người bán hàng online sử dung vì hình thức này giúp các cửa hàng (shop) giới thiệu nhanh gọn các mặt hàng. Khách mua có nhu cầu sẽ đặt hàng trực tiếp phía dưới phần bình luận. Shop sẽ chốt đơn hàng và yêu cầu khách đưa thông tin cá nhân, bao gồm: số điện thoại, tên, địa chỉ, mã số mặt hàng…
Lợi dụng sơ hở của khách khi công khai thông tin cá nhân trong các đợt livestream, một số đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng giả danh chủ shop gọi điện để chốt đơn ngay khi khách đưa thông tin sau đó tiền hàng giao hàng.
Một số shop quy định là chỉ được kiểm tra hàng sau khi đưa tiền, nên những kẻ này nhanh chóng cầm tiền bỏ chạy trước khi khách thấy sản phẩm mình vừa mua. Nhiều khách hàng tá hỏa khi tiền đã trả mà sản phẩm nhận được cũ nát hư hại không thể sử dụng. Có những người khi mở hàng ra chỉ là những nùi rẻ rách hay mớ rác bỏ đi được gói gém như những kiện hàng thật...
Những shop có hoạt động livestream xôm tụ, có lượng người theo dõi đông đảo càng trở thành "miếng mồi" ngon cho những kẻ lừa đảo. Nhiều trường hợp người mua phản ánh với shop chủ shop còn không hề biết đơn hàng đã được chốt, có shop khẳng định hàng còn chưa giao thì không thể có chuyện đã nhận tiền.
Chủ shop online có tên Trần Thảo, Quận 10, TPHCM phản ánh, mới đây shop của cô có đến 5 khách hàng bị lừa đảo theo hình thức tinh vi như trên. Người mất ít cũng hơn 1 triệu đồng, người nhiều cũng gần 2 triệu đồng.
“Tôi không thể nhìn mặt được người giao hàng. Bọn chúng sử dụng khẩu trang và che chắn rất kín kẽ. Nhất là không cho xem hàng, tới khi vào nhà mở hàng mới thấy bọc hàng rất nhiều lớp, từ giấy bìa cứng đến cả ni lông. Nếu khách hàng muốn kiểm tại chỗ cũng ngại phiền vì cắt giấy rất khó”, chị H.T, một khách hàng bị lừa chiếm đoạt 1,3 triệu đồng đã báo cho chủ shop Trần Thảo yêu cầu giải quyết.
Nhiều chủ shop cho rằng, không khó để lật mặt những kẻ lừa đảo nhưng không biết xử lý sao khi đối diện những kẻ này.
Chị Thảo, chủ shop Trần Thảo cho hay, sau khi có nhiều khách mua bị lừa khiến shop mang tiếng, chị quyết định tìm cách truy ngược danh tính nhóm lừa đảo chuyên giả danh shop. Bằng cách chuẩn bị sẵn kịch bản, khi livestream, chị cho nhân viên của shop đặt đơn hàng giả với giá trị cao, đồng thời hối thúc rằng shop cần hàng gấp nên giao nhanh. Sau 5 phút chốt đơn hàng, tại một địa chỉ mà shop đã cung cấp xuất hiện người mặc áo của Grab như nhân viên giao hàng thông thường.
"Tôi đã nhờ 2 người anh trai phục kích sẵn vì biết chính là nhóm lừa đảo trên. Bởi lẽ nhân viên Grab giao hàng không bao giờ ứng tiền trên 2 triệu đồng hoặc nếu có thì cũng phải gọi điện chốt đơn vô cùng kín kẽ. Thậm chí khi đặt đơn, tôi cố ý đổi địa chỉ từ quận 10 sang Tân Bình, bọn chúng cũng chiều theo”, chị Thảo phân tích.
Dường như nhận ra bị rơi vào bẫy, đối tượng giả danh ngay lập tức rút hung khí thủ sẵn sẵn trong người. Người nhà của chủ vội rút chìa khoá và bắt vào nhà nói chuyện. Kẻ lừa đảo tất nhiên không chịu và bỏ lại chìa khóa, dắt xe bỏ chạy. Gói hàng mà kẻ gian bỏ lại là một... nùi giẻ.
Một số chủ shop cho biết, hoạt động lừa đảo này này thường phải có ít nhất hai người và chúng thường phối hợp khá chuyên nghiệp. Trong khi một kẻ vào xem livestream của shop để nắm các đơn hàng vừa chốt, tên còn lại sẽ đi giao hàng dỏm để chiếm tiền của khách mua.
Hình thức lừa đảo tinh vi này thời gian qua đã diễn ra ở khá nhiều shop, group trao đổi hàng hóa… Hạn chế trong hình thức giao hàng COD – trả tiền khi nhận hàng được các đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Nhiều người bị lừa vài trăm ngàn đên một vài triệu đồng có tâm lý số tiền không lớn, ngại rắc rối nên không nhiều người đứng ra tố cáo và giải quyết.
Chủ shop cũng không vô can
Luật sư Trần Đức Phượng - Thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho biết, việc giao dịch qua hình thức livestream khiến thông tin khách hàng bị công khai trên mạng, dẫn đến tình trạng lừa đả. Không chỉ kẻ lừa đảo có lỗi mà chính người bán cũng là “đồng phạm” vì gián tiếp để thông tin khách hàng lọt ra ngoài. Vậy nếu xét tới cùng của bản chất sự việc, khách bị lừa đảo giá trị hiện kim lớn nếu quyết định kiện, không chỉ người lừa đảo, mà những người gián tiếp tiếp tay cho đối tượng lừa đảo cũng có một phần trách nhiệm.
Cũng theo luật sư, tuỳ vào giá trị đơn hàng, hình thức và hành vi vi phạm sẽ có những chế tài khác nhau từ dân sự đến hình sự.
Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị an ninh mạng (Athena) cho biết, giao dịch livestream trên nền tảng Internet hiện tại còn khá nhiều lỗ hổng mà những đối tượng xấu sẽ lợi dụng vào đó để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc cạnh tranh không lành mạnh giữa những người kinh doanh với nhau.
Cụ thể, những đối tượng lừa đảo có thể trà trộn vào xem livestream để đánh cấp thông tin khách hàng, thực hiện các hành vi đánh tráo đơn hàng bằng các sản phẩm đồ giả, đồ kém chất lượng. Còn đối với các đối tượng cạnh tranh không lành mạnh, có thể đặt những đơn hàng ảo, hoặc chớp cơ hội đi giao hàng của mình trước cho khách.
“Việc mua một đơn hàng offline ngay chính tại cửa hàng còn chưa xác minh được món hàng đó là thật hay giả thì tham gia kinh doanh trong ‘xã hội Internet’ ảo - người mua lẫn người bán cần hết sức cẩn trọng”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, người mua và người bán bằng hình thức online nên thiết lập một kênh giao dịch riêng thay vì công khai thông tin trên mạng xã hội. Bằng việc sau khi khách hàng lựa chọn hàng trên livetream, có thể liên lạc với nhau bằng một hình thức khác như qua tin nhắn, gọi điện xác nhận đơn hàng, hay ngày nay phổ biến nhất là Zalo,… thay vì bình luận trực tiếp thông tin bên dưới livestream hoặc quảng cáo bán hàng. Đồng thời, sau khi xác nhận giao hàng giữa bên mua và bên bán cần có một liên kết, có thể là gọi điện, nhắn tin để xác minh tránh tình trạng lừa đảo hoặc giao nhận đơn hàng giả.