Khi tôi quyết định trở thành vợ hai của anh, bố mẹ, bạn bè thân thiết đã cảnh báo là cuộc đời tôi sẽ khổ. Nhưng tôi thà chịu khổ chứ không chịu đánh mất anh. Lúc đó tôi nhìn cuộc đời toàn màu hồng tươi đẹp.
Tuy cuộc sống của vợ chồng tôi không khá giả gì nhưng lại tràn ngập tiếng cười. Rồi vợ cũ của anh sinh ra ấm ức, hễ có dịp là chửi rủa vợ chồng tôi không tiếc lời. Thậm chí còn gây nhiều cản trở trong việc anh thường xuyên đến thăm con, nổi khùng chửi rủa xua đuổi, cương quyết không cho con đi chơi cùng bố.
Hành hạ anh chưa đủ, chị còn khủng bố cả tôi mỗi khi có cơ hội. Mỗi lần lấy cớ đi tìm con là chị lại xồng xộc vào nhà vợ chồng tôi, mang cả giày vào nhà, đi hết phòng này sang phòng khác. Chồng tôi rất bực mình, bảo chị không tôn trọng chủ nhà và cũng chẳng coi trọng con cái.
Vợ chồng tôi đã cưới nhau rồi nhưng chị vẫn giữ thói quen đến kỳ nhận lương là hào hứng chạy sang cơ quan chồng cũ với cả một danh sách các thứ cần mua cho con, ngoài khoản tiền trợ cấp hàng tháng.
Anh trở về nhà với số tiền chẳng còn bao nhiêu. Tôi khó chịu thì anh bảo, thằng bé chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, anh bù cho nó ít vật chất để an ủi.
Chị còn bày cho con hỏi mượn tiền tôi một cách vô tư mà chẳng bao giờ nhớ trả, thằng bé có mẹ chống lưng nên chẳng sợ cái cau mày hay tiếng thở dài của tôi.
Mọi chuyện sẽ không đến nỗi nào nếu như chị không càng ngày càng quá đáng.
Chị bịa ra đủ lý do ngớ ngẩn, trăm nghìn lý do chính đáng vì con, nửa đêm quyết bắt chồng tôi chạy sang nhà chị. Nhưng tôi vẫn cố nhịn vì chồng là người bố rất thương con.
Giọt nước tràn ly khi một hôm đi làm về tôi nhìn thấy ở trên tường dán một tờ giấy đánh máy vi tính in cỡ chữ lớn: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.
Độc đoán, nhỏ mọn, ích kỷ… là những gì tôi nhận ra ở chị. Tôi cảm thấy mình như đang bị bạo hành tinh thần, không thể nhẫn nhục mãi được, nhưng tôi vẫn muốn hòa bình hơn là chiến tranh, tôi phải làm sao đây?…/.