6 giờ sáng, chị đã dậy sớm soạn hàng. Tối qua, nhờ đăng bài trong nhóm cư dân của phường nên hôm nay chị có nhiều đơn đặt hàng hơn hẳn. Sửa soạn xong xuôi, chị mới kịp ngồi xuống uống một ngụm sữa. Vô tình lúc ngước mặt lên, chị thấy mẹ chồng trong bếp ngó ra nhìn chị, thở dài.
Chị biết, từ ngày chị đổi nghề, chuyển sang buôn bán online, mẹ chồng chị không thích. Bà vốn là người trọng sĩ diện lắm. Nhà chồng chị cũng toàn là công chức, bố chồng làm ngành luật, mẹ thì từng làm giáo viên cả 30 năm trời. Ông bà luôn tự hào về truyền thống gia đình “chữ nghĩa”. Bởi vậy, hồi cưới con dâu làm phó phòng, mẹ chồng chị có phần tự hào. Bà chỉ không ngờ rằng đến khi dịch giã, chị đổi nghề phát một.
Ban đầu, khi chị đòi lấy cái khoảng sân trước nhà để bày hàng hóa, ông bà cản lắm. Bà không thích cả việc chị “rao hàng” trên mạng, có biết bao nhiêu người quen của bà vào nhìn thấy. Hôm trước, chị vô tình đọc được bình luận của bạn mẹ, nói rằng: “Tưởng con dâu chị làm chức lớn, giờ dịch giã hàng quá về bán rau rồi hả?”.
Câu hỏi đó, mẹ chị không trả lời, nhưng chị biết mẹ tự ái. Có mấy lần, mẹ nói chị ngừng buôn bán đi, đợi hết dịch thì đi làm lại. Chị không chịu, dù mẹ chồng có nói sẽ cho thêm ít tiền sinh hoạt mỗi tháng. Bởi chị sinh ra là con nhà thuần nông, ở yên một ngày không đi làm là tay chân bứt rứt, khó chịu. Trên hết là chị còn trẻ khỏe, không muốn ở nhà dùng tiền hưu của ông bà. Thế là chị bướng bỉnh cứ lấy hàng về, cứ sáng ra soạn đơn, trưa chuẩn bị hàng cho người giao, tối lại ngồi cộng sổ sách.
Mẹ chị nói không được cũng chán, bà quyết không thèm phụ. Chị cũng hiểu tính bà. Cũng đúng, trước kia chị quần là áo lượt, bước ra khỏi nhà là mặc đồ công sở, mang giày cao gót. Hàng xóm xung quanh ai nhìn vào cũng khen chị xinh lại giỏi, khen mẹ chồng chị khéo chọn con dâu.
Chị biết mẹ chồng thương mình, chỉ có điều bà quá trọng hình thức và những lời bàn ra tán vào trong thiên hạ. Nhưng đây không phải lúc để sĩ diện, bởi chị vẫn làm ăn chân chính, vẫn giúp nhà nhà có cơm ngon canh ngọt, đôi khi thấy nhà nào khó khăn, chị còn gửi tặng bó rau, mớ cá.
Mẹ chồng chị chưa thấy được những niềm vui nhỏ nhoi khi bán buôn ấy. Thời gian đầu, bà khó chịu khi chị bận rộn hàng hóa, quên cả giờ cơm. Dần dần, nỗi khó chịu tăng lên khi bà thấy con trai ra phụ vợ xếp hàng, đóng gói. Từ người con dâu được lòng mẹ chồng, chị bỗng trở thành người mà cứ hễ thấy, bà lại thở dài.
Hôm nay chị lại định bụng lên mạng rao vài món đồ chưa bán hết. Đến khoảng nửa chiều, thấy người mệt mệt, chị tính nghỉ bán sớm, thế là hàng hóa còn bao nhiêu, chị đăng bài xin phép tặng người quen, ai cần dùng cứ nhắn, chị sẽ gửi qua tận nhà.
Không ngờ, bạn của mẹ chồng nhắn cho chị, bảo nếu còn thì gửi cho cô ấy một ít. Chị xởi lởi vun vén từng quả cam, trái ổi, mớ rau bỏ vào thùng hàng, gửi shipper mang đi. Tự nhiên chị thấy lòng hân hoan hơn hẳn, chiều đó chị tắm sớm, phụ mẹ chồng nấu nướng, dọn nhà.
Không ngờ bạn mẹ sau khi nhận hàng của chị thì gọi điện cho mẹ, cảm ơn rối rít. Thì ra bữa giờ nhà cô ấy có người đi cách ly, khó khăn đủ đường. Chị thấy mẹ nghe điện thoại, cứ luôn miệng nói: “Không có gì đâu, đừng ngại”.
Tối hôm ấy, mẹ chồng thay đổi thái độ với chị. Không hẳn chỉ vì chuyện bạn của mẹ được tặng rau, mà còn vì mẹ mới biết chị vừa chuyển tiền cho bà dì dưới quê. Ở tỉnh giờ cũng giãn cách theo chỉ thị 16, dì lại sống một mình, đó là người em ruột mà mẹ chồng chị rất thương.
Chị lựa lời nói với mẹ, rằng chị buôn bán không hẳn vì kiếm tiền cho riêng mình, mà còn vì muốn giúp những người yếu thế hơn. Rằng chị không ngại trút bỏ bộ quần áo công sở thanh lịch để mặc đồ bộ soạn rau bán hàng, chị chỉ mong ở trong gian khó vẫn có thể tự lập, tự lao động như bao nhiêu người khác. Và chị biết rằng việc chị bán buôn có thể làm mẹ ngại với bà con, bạn bè, nhưng chẳng có nghề gì đáng xấu hổ lúc này, miễn là lương thiện, miễn là có thể tạo ra giá trị và giúp đỡ mọi người.
Chị biết, mẹ chị ngồi im nghe, thỉnh thoảng có chêm vài chữ: “Ừ, thôi thì tùy các con”, nhưng trong lòng mẹ đã thôi sĩ diện. Tối ấy, chị đăng bài bán hàng cho ngày mai, mẹ chị vào chia sẻ, còn ghi vài chữ: “Con dâu tui bán, ai mua thì ủng hộ nhé”.
Chị mỉm cười, thật may vì giờ đây đã có mẹ sát cánh.