"Đây là ca sinh hy hữu, chưa từng thấy trong y văn thế giới và là kỳ tích trong hơn 20 năm làm nghề mà tôi được chứng kiến", bác sĩ Lê Quang Hòa, Phó trưởng khoa Sản nhiễm trùng C3, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chia sẻ với VnExpress ngày 3/1.
Sản phụ mang song thai, ở tuần thứ 28, một thai bị mất tim thai, sinh non. Cổ tử cung sau đó tự đóng chứ không mở như thông thường để đẩy thai còn lại ra ngoài. Sản phụ tiếp tục được theo dõi thai kỳ, không bị nhiễm khuẩn, em bé lại vẫn sống khỏe mạnh trong tử cung mẹ và phát triển như bình thường.
Ngày 30/12/2020, ở tuần 33 thai kỳ, sản phụ được chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho bé, tránh nguy cơ suy thai. Bé trai chào đời lúc 4h chiều cùng ngày, nặng 1,6 kg, khóc tốt.
Hiện, bé trai khỏe mạnh, theo dõi tích cực tại khoa Sơ sinh. Người mẹ sức khỏe ổn định, chăm sóc hậu sản tại Khoa Sản nhiễm trùng C3.
Bác sĩ cho biết, ở tuần thứ 5 thai kỳ, thai phụ ra máu, nhập viện theo dõi 7 tuần theo dõi, sức khỏe ổn định, chị xuất viện. Tuần thứ 15, chị nhập viện để khâu tử cung, hai tuần sau lại xuất hiện một chút dịch âm đạo.
Ba tuần kế tiếp, ra máu nhiều, chị tiếp tục nhập viện cấp cứu. Các dấu hiệu ngày càng xấu đi khi có hiện tượng vỡ ối và nhiễm trùng ối như sốt cao, môi khô, khó thở; các chỉ số nhiễm trùng tăng cao.
Chị và gia đình vẫn mong muốn giữ được hai con.
Một ngày sau thai phụ đau nhiều hơn. Bác sĩ thăm khám phát hiện cổ tử cung đã mở hết, không thể giữ thai thêm. Sản phụ sinh non một em bé nặng 0,5 kg đã mất tim thai.
Theo nguyên tắc thông thường, khi song thai bị sảy một thai, cổ tử cung sẽ mở để tiếp tục đẩy em bé thứ hai ra ngoài, bác sĩ Hòa giải thích. Tuy nhiên, với sản phụ này, dây rốn của thai nhi bị sảy tự tụt vào trong, cổ tử cung đóng kín lại. Siêu âm thấy chiều dài cổ tử cung 6,8 cm, gần như từng xảy ra ở người mang thai lần đầu".
Bác sĩ Hòa cho rằng đây là "điều không tưởng", vì thông thường ca song thai, bánh nhau còn sót lại của thai thứ nhất với các tổ chức đã chết sẽ tạo thành các ổ nhiễm khuẩn, khiến khả năng tử vong của thai nhi còn lại rất lớn. Bên cạnh đó, người mẹ cũng gặp nguy hiểm khi cố giữ con.
Tình thế cấp bách, kíp cấp cứu đã nhanh chóng thực hiện xét nghiệm, đánh giá các yếu tố nhiễm khuẩn. Sau khi xác định khả năng nhiễm khuẩn không còn, bác sĩ huy động kíp phải cố gắng giữ thai nhi còn lại.
Những ngày sau đó, sản phụ được theo dõi sát yếu tố nhiễm trùng toàn thân. Cứ hai đến ba ngày, chị lại xét nghiệm một lần để tiên lượng nguy cơ, kết hợp dùng kháng sinh để đảm bảo an toàn. Trong khoảng 8 tuần nằm điều trị, mọi dấu hiệu nhiễm khuẩn không còn, sản phụ tỉnh táo khỏe mạnh, thai nhi còn lại phát triển tốt.
Theo bác sĩ Hòa, y văn thế giới và Việt Nam từ trước tới nay đã ghi nhận một số trường hợp song thai sảy một thai, cố gắng giữ thai thứ hai tương tự. Tuy nhiên, thai nhi có thể sống và chào đời khỏe mạnh như trường hợp trên là điều gần như chưa thấy.