Ngày 9/6, Philippines tổ chức chung kết hoa hậu Bb Pilipinas, chọn ra sáu người đẹp từ 40 thí sinh để tranh tài tại các cuộc thi quốc tế như Miss Universe hay Miss International. Theo SCMP, không khí bên trong nhà thi đấu Araneta - nơi sự kiện diễn ra - căng thẳng và cuồng nhiệt như những trận đấu quyền Anh. Mỗi thí sinh đều có một đội cổ vũ với băng rôn, cờ.
Theo Missosology, từ năm 2013, khi Mutya Johana Datul đăng quang Hoa hậu Siêu quốc gia, Philippines dường như bước vào một cuộc lột xác và dần chiếm lĩnh vị trí hàng đầu ở năm cuộc thi lớn nhất: Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Earth, Miss Supranational. Bà Nathalie Africa-Verceles, Giám đốc Tổ chức nữ quyền kiêm Trưởng khoa Giới tính học tại Đại học Philippines, nói yếu tố lịch sử khiến người Philippines yêu thích các cuộc thi hoa hậu.
"Sau thời kỳ bị đô hộ bởi Tây Ban Nha (thế kỷ 16 đến thế kỷ 19), chúng tôi tiếp thu các tín ngưỡng tôn giáo từ đạo Kito và có ngày lễ Santacruzan. Buổi lễ được tổ chức tháng 5 hàng năm với hoạt động chính là buổi diễu hành của các cô gái trẻ xinh đẹp ở khắp các tỉnh thành Philippines. Đây có thể là nguồn gốc cho việc người dân thích xem các cô gái catwalk, biểu diễn trong nhiều cuộc thi sắc đẹp", Nathalie Africa-Verceles nói trên SCMP.
Philippines tổ chức cuộc thi sắc đẹp đầu tiên năm 1908, một thập kỷ sau khi thoát khỏi sự đô hộ của Tây Ban Nha. Các cuộc thi diễn ra tại hội chợ, chọn người chiến thắng dựa trên số phiếu bầu từ những thương gia giàu có trong vùng. Năm 1926, cuộc thi quốc gia đầu tiên mang tên Miss Philippines được tổ chức. Năm 1964, bà Stella Araneta thành lập Bb. Pilipinas, trở thành công ty nội địa kết nối các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới.
Năm 1969, Bb. Pilipinas hợp nhất với Miss Philippines, trở thành cuộc thi tuyển chọn thí sinh dự thi Miss Universe và Miss International. Hiện tổ chức này cũng chọn thí sinh dự Hoa hậu Liên lục địa, Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Hoa hậu Toàn cầu và Hoa hậu Siêu quốc gia. Hai cuộc thi lớn còn lại là Miss Earth Philippines và Miss World Philippines lần lượt ra đời vào năm 2001 và 2011.
Ngoài yếu tố văn hóa, lịch sử, danh tiếng và cơ hội đổi đời là động lực để các cô gái đất nước này thi nhan sắc.
Louise Maneja, một chủ sòng bạc tại tỉnh Pampanga (Philippines), cho rằng khi Catriona Gray đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2018, các hoa hậu trở thành niềm tự hào của người Philippines. "Giống việc võ sĩ Manny Pacquiao so găng với 'Độc cô cầu bại' Floyd Mayweather trong trận quyền Anh năm 2015 vậy. Cả nước sẽ theo dõi các cuộc thi hoa hậu. Đó là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư", ông Maneja nói.
Rodgil Flores (52 tuổi) là một huấn luyện viên hoa hậu nổi tiếng, có 23 năm theo nghề. Năm 1996, ông thành lập trung tâm Kagandahang Flores với khẩu hiệu: "Vì vương miện, vì đất nước". Hiện Kagandahang Flores là một trong những "lò" đào tạo hoa hậu lớn nhất Philippines, huấn luyện khoảng 250 đến 300 cô gái mỗi năm. 17 trên 40 thí sinh Bb Pilipinas năm nay tham gia trung tâm của Rodgil. Ông nói với tờ SCMP: "Giành vương miện chắc chắn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Ở Philippines, hoa hậu được tôn thờ. Bạn sẽ mãi mãi được nhớ đến như một nữ hoàng sắc đẹp".
Simeon Singsit, một huấn luyện viên khác, viết trên diễn đàn The Great Pageant Community: "Không có gì sai khi nhiều cô gái đi thi để tìm cơ hội bước chân vào ngành thời trang, phim ảnh... Nếu bạn bước vào ngành giải trí với phong thái của một Hoa hậu Hoàn vũ, bạn sẽ trở nên khác biệt".
Danh hiệu ở các cuộc thi nhan sắc lớn mở ra sự nghiệp hứa hẹn với các người đẹp Philippines. Hoa hậu Hoàn vũ Catriona Gray chuyển đến Mỹ sống sau khi đăng quang và tham gia nhiều hoạt động giải trí. Megan Young, Hoa hậu Thế giới năm 2013, trở thành diễn viên và người dẫn chương trình nổi tiếng.
Việc người dân Philippines hâm mộ các cuộc thi sắc đẹp cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Bà Nathalie Africa-Verceles cho biết hiện trạng này phản ánh việc xã hội Philippines đang đề cao quá mức vẻ đẹp ngoại hình của phụ nữ - điều sẽ tác động xấu tới các cô gái trẻ. "Hiện tại, các thí sinh hoa hậu đều được đào tạo chuyên nghiệp. Sẽ thật bất công với những phụ nữ khác nếu các tiêu chuẩn ở cuộc thi nhan sắc trở thành chuẩn mực đánh giá vẻ đẹp nói chung", bà nói trên SCMP.
Ông Rodgil Flores cho biết rất buồn khi nhiều lần phải gạt bỏ ước mơ của nhiều cô gái bởi "Để thành hoa hậu điều kiện đầu tiên, bạn phải đẹp". Rodgil lấy ví dụ điều kiện bắt buộc cho các học viên là có chiều cao từ 1,65 m trở lên. Sáu thí sinh đăng quang hoa hậu năm nay đều là những người mẫu nổi tiếng, độ tuổi trung bình khoảng 25 tuổi. Họ trải qua nhiều lần thi mới có thể đăng quang.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi nhan sắc được tổ chức ở Philippines thể hiện mặt trái của sân chơi. Karen Ibasco, Hoa hậu Trái đất Phillipines năm 2017, cho biết có dường như có sẵn công thức, chuẩn mực do ban tổ chức đặt ra dành cho cô gái muốn chiến thắng, tạo áp lực lên các cô gái trẻ. Sau Miss Earth, Karen Ibasco cho biết không bao giờ tham gia cuộc thi sắc đẹp nào khác. Hoa hậu Đại dương Philippines 2018 Uy - Tuazon nói cô thất vọng khi nhận ra khán giả chỉ quan tâm tới vẻ đẹp bên ngoài của các thí sinh.