Bệnh gút hay còn gọi là bệnh thống phong trong y học cổ truyền, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên trở lên.
Các triệu chứng bệnh thống phong hầu hết là cấp tính, xảy ra một cách đột ngột, thường vào ban đêm, không có triệu chứng báo trước như đau khớp dữ dội.
Nguyên nhân gây bệnh Gút theo y học cổ truyền
Người ăn nhiều cao lương mỹ vị, gây tổn thương tạng tỳ vị, tỳ mất kiện vận sinh thấp, thấp lâu ngày tích lại thành đàm. Đàm thấp uẩn kết ở các khớp xương khiến hoạt động trở ngại.
Người hỉ nộ bất tiết, ưu tư quá độ, lâu ngày làm khí uất, khí cơ nghịch loạn. Điều này dẫn đến khí loạn huyết trệ, bế trở kinh lạc làm tổn thương xương khớp mà dẫn đến thống phong.
Người nghỉ ngơi hàng ngày không điều độ, chính khí giảm, lại cảm phải phong hàn thấp tà. Nội tà và ngoại tà kết hợp mà tấn công vào khớp, hình thành thống phong.
Điều trị gút theo y học cổ truyền
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, theo y học cổ truyền chia bệnh gút ra thành các thể bệnh khác nhau. Mỗi thể bệnh có các cách điều trị khác nhau. Cụ thể như sau:
Thể đàm thấp
Triệu chứng chủ yếu là khớp ngón chân, ngón tay đau kịch liệt, khớp xương biến dạng, vận động hạn chế, ngực phiền tức, tiêu hóa kém.
Pháp chữa: Trừ thấp hóa đàm lợi niệu. Dùng bài thuốc: Tỳ giải phân thanh ẩm, gồm: Tỳ giải 12g, Bạch truật 8g, Xa tiền tử 8g, Phục linh 8g, Đan sâm 8g, Liên tử 12g, Hoàng bá 12g, Thạch xương bồ 12g.
Thể thấp nhiệt
Triệu chứng chính là khớp ngón chân ngón tay đau, bên ngoài sưng đỏ, sờ vào đau tăng, đa phần do ăn nhiều cao lương mỹ vị, uống nhiều rượu mà phát. Thích mát lạnh, người nóng phiền táo, miệng đắng họng khô.
Pháp chữa: Thanh nhiệt trừ thấp, thư cân. Dùng bài thuốc: Tam nhân thang gia giảm, gồm: Hạnh nhân 6g, Bạch đậu khấu 6g, Hoạt thạch 12g, Ý dĩ 12g, Thông thảo 8g, Bán hạ 12g, Hoàng bá 12g, thương truật 8g, thổ phục linh 12g.
Thể huyết ứ
Triệu chứng là khớp đau kịch liệt không ngừng, sắc tím tối, đau tăng về đêm; đau đầu phiền cáu, miệng khô khát.
Pháp điều trị: Hoạt huyết trục ứ, thông lạc, dùng bài Bổ dương hoàn ngũ thang: Đương quy 12g, Xuyên khung 8g, Đào nhân 4g, Hồng hoa 4g, Hoàng kỳ 12g, Xích thược 12g, Địa long 6g.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian sau để điều trị bệnh:
Bài 1: Cành dâu 1kg, đường phèn 500g. Trước hết, đem cành dâu sắc lấy nước, thêm đường phèn vào làm thành cao, mỗi buổi sáng uống nửa thìa, hòa vào nước sôi, uống ấm.
Bài 2: Cỏ hy thiêm 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2-3 lần.
Bài 3: Cỏ hy thiêm 90g, cam thảo 10g. Nghiền cả hai vị thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sôi để ấm, ngày uống 3 lần.
Bài 4: Đậu tương 50g, lá ngô 30g, đào nhân 15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 - 3 lần..
Bài 5: Lá vừng 30g, mộc qua 15g, bạch quả (còn gọi ngân hạnh) 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 - 2 lần.
Bài 6: Vỏ mướp 30g, ý dĩ nhân 30g, gừng khô 3g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 - 3 lần.
Bài 7: Lá lốt phơi khô 5 - 10g, nếu dùng lá tươi thì 15 - 30g sắc với 2 chén nước đặc tới khi còn 1/2 chén để uống sau khi ăn tối. Dùng liên tục 10 ngày.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội