Sáng 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Thị trường lao động vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa bền vững là những bất cập được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra với mong muốn được nghe "hiến kế" để tháo gỡ.
Tỷ lệ lao động có chứng chỉ thấp
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và sự phát triển không đồng đều.
Chung góc nhìn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhìn nhận Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số "vàng", nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng".
Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.
Vì thế, đại diện VCCI kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ, giúp lao động đáp ứng đúng tiêu chuẩn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân ủng hộ đề xuất này. "Thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay, nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật", theo góp ý của ông Thân.
Ngoài ra, ông kiến nghị nghiên cứu mô hình trả lương linh hoạt cho người lao động. Ví dụ, người lao động có thể ứng trước một khoản lương khi cần để tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen.
Đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam đưa ra một số số liệu cụ thể về thị trường lao động Việt Nam, cho thấy mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).
Từ những số liệu này, đại diện doanh nghiệp nhìn nhận lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.
Lao động yêu cầu được làm việc linh hoạt
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Pouyuen Việt Nam Tsai Wen Tsung, trong thời đại công nghệ, lao động trẻ có nhiều cơ hội nghề nghiệp, họ có thể tiếp cận gần hơn với các ngành công nghiệp dịch vụ khác nhau nên mô hình sản xuất của các doanh nghiệp cũng cần thay đổi.
Về dài hạn, ông Tsai Wen Tsung cho rằng giáo dục là hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật là rất quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản vững chắc hơn cho ngành sản xuất.
Đại diện Pouyuen hy vọng Chính phủ đầu tư thêm nguồn lực vào các tỉnh phía nam để có thể tạo ra nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang mong muốn các địa phương phối hợp cung cấp nguồn nhân lực số lượng lớn, đã qua đào tạo cơ bản, có định hướng về tinh thần làm việc thái độ làm việc, đặc biệt coi trọng tinh thần kỷ luật.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sungroup Đặng Minh Trường cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao.
"Hiện, chi phí lao động tăng nhanh nhưng tay nghề còn hạn chế, khả năng đáp ứng chưa cao. Theo thống kê có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp, thử việc xong cũng phải xin nghỉ", ông Trường dẫn số liệu.
Theo đại diện Sungroup, doanh nghiệp phải chuyển đổi đáp ứng xu thế mới của nhân lực trong thời gian tới. Họ yêu cầu hình thức làm việc linh hoạt hơn về thời gian cũng như địa điểm, muốn chuyển dịch từ cố định sang tự do; đồng thời tỷ lệ nhân viên nghỉ việc có xu hướng tăng lên rất đáng kể trong ngành du lịch.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc của thị trường lao động. Ông nhấn mạnh lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Khi lao động trong nền kinh tế quá dư thừa, thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí bất ổn xã hội, chính trị. Ngược lại, nếu thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp… sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và có các hệ lụy khác", Thủ tướng lưu ý đây là hai mặt cần cân nhắc, tính toán, xử lý hài hòa trong quá trình phát triển.