Sinh ra tại Cao Bằng, tốt nghiệp đại học Y - Dược Thái Nguyên, Bế Thị Băng làm việc trong một phòng khám nha khoa tại Hà Nội.
Năm 2012, trên đường về nhà, cô bất ngờ bị xe tải đâm. Tỉnh dậy sau 4 ngày hôn mê, cô đau đớn, gào thét và nhận ra: Mình mất hoàn toàn chân phải.
Sau tai nạn, cô gái dân tộc Tày làm quen với cuộc sống mới, tập đi, tập đứng, tập sinh hoạt với đôi chân giả, chiếc nạng gỗ và những ánh mắt hiếu kỳ. "Ngày ấy mình nghĩ, sống được đã là hạnh phúc, thôi đừng ước mơ hạnh phúc riêng", chị kể.
Đi làm lại, bắt đầu tập múa bằng một chân để nâng cao sức khỏe, tham gia tình nguyện... cuộc sống cứ trôi cho đến một ngày giữa năm 2016.
Trong một lần tiễn bạn ra sân bay, Băng tình cờ gặp Oturak Be - chàng trai người Đức sang Việt Nam du lịch. Nhìn thấy anh đang loay hoay xem bản đồ, cô nhanh chóng tiến đến hỏi thăm và chỉ đường giúp anh chàng ngoại quốc.
"Có lẽ đó là ngày bắt đầu mối nhân duyên của tôi và anh", Băng cười. Vài ngày sau, cô tình cờ gặp anh ở Hồ Tây. Sau lần chạm mặt ấy, hai người kết bạn rồi cùng nhau khám phá nhiều nơi ở Việt Nam, cả mảnh đất Cao Bằng nơi cô sinh ra và lớn lên.
Ngày mới quen nhau, Oturak Be không hề biết Băng chỉ có một chân vì cô sử dụng chân giả. Mãi đến khi Băng khoe đoạn video quay cảnh nhảy, múa bằng một chân, Oturak tỏ ra bất ngờ, ngưỡng mộ: "Sao một chân có thể múa được như thế. Em có biết anh rất thích những điệu nhảy của Ả-rập, Ba Tư, những điệu dance như thế không".
Lần đầu Oturak tỏ tình, Băng đáp: "Anh cho em xin thời gian".
Đến ngày về nước, anh bất ngờ cầu hôn nhưng cô từ chối, vì nghĩ bản thân không xứng. Nhìn anh bước đi, cô chỉ muốn hét lớn "Em đồng ý" nhưng cô sợ mình trở thành gánh nặng.
Về Đức, Oturak đã gửi Băng một lá thư rất dài. Trong thư anh viết: "Em đừng bao giờ nói mình không xứng đáng. Ở Đức, từ đó không hề đẹp. Em có sắc đẹp, có sự tự tin, em xứng đáng hơn thế". Cảm động nhưng cô vẫn lắc đầu. Thời gian sau đó, cả hai vẫn giữ liên lạc.
Sau lần dẫn anh bạn người Đức về quê, bố mẹ nhận thấy sự quan tâm, chăm sóc mà Oturak dành cho con gái, bố khuyên nhủ Băng nên mở lòng "nếu không sẽ tiếc nuối".
Được bố mẹ ủng hộ cùng sự quyết tâm "theo đuổi đến cùng" của Oturak, Băng gật đầu đồng ý vì không muốn bỏ lỡ người khiến cô hiểu vẻ đẹp không nhất thiết phải nằm ở sự hoàn mỹ hay hình thể, mà quan trọng là phẩm giá và nhân cách sống.
Cứ thế, ba tháng một lần, anh chàng Đức lại về Việt Nam thăm người yêu. "Lúc đầu anh chỉ kể làm giáo viên ở Đức nhưng sau khi kết hôn, tôi mới biết anh là một giáo sư Toán học", Băng kể.
Cuối 2017, cặp đôi Việt - Đức kết hôn. Hiện tại, Oturak giảng dạy trong một trường đại học ở Đức, Băng ở Việt Nam quản lý một phòng khám nha khoa và kinh doanh riêng. Ngoài những dịp nghỉ lễ, đều đặn 3 tháng/lần, Oturak lại về Việt Nam thăm vợ. "Vợ chồng tôi sẽ sớm đoàn tụ, nhưng còn vài dự định dang dở, tôi sẽ sắp xếp để sang Đức với chồng".
Nhắc đến bí quyết giữ gìn hạnh phúc khi yêu xa, cô gái 8x cho biết: "Chúng tôi luôn liên lạc với nhau 24/24. Mỗi người có ba chiếc điện thoại để đảm bảo có thể gọi điện thoại cho nhau bất cứ lúc nào. Trong hôn nhân, tôi và anh tự đưa ra luật, mỗi người phải có trách nhiệm, tin tưởng và biết kìm nén, nhường nhịn nhau".
Còn một chân vẫn tự tin sải bước trên giày cao gót
Tháng 5/2019, người ta biết đến cô gái dân tộc Tày một chân, tự tin thực hiện các động tác nhảy múa điêu luyện trên đôi giày cao gót, trong cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết.
Nhìn bước đi dứt khoát, thoăn thoắt trên chiếc giày cao gót 14cm chỉ với một chân, Băng khiến nhiều người ngỡ ngàng.
"Băng sẽ là chính Băng khi được đi giày cao gót và đó là một câu chuyện dài", cô kể.
Hồi bé, cô đã mê mẩn những đôi giày cao gót trong chương trình thời trang, nhìn những người mẫu sải bước đầy tự tin, Băng thầm ao ước: Rồi sẽ đến lúc mình như vậy. Nhà nghèo, không có tiền mua giày, cô tự thiết kế một đôi "giày cao gót" từ thân tre khô, gỗ và buộc cố định bằng dây chuối. Đôi giày to, rộng hơn chân, bước đi chệnh choạng nhưng cô bé Băng năm nào vẫn miệt mài tập.
Sau tai nạn năm 24 tuổi, cô từng nghĩ "vậy là chấm hết". Trước tai nạn, Băng có mua một đôi giày cao gót: "Nó còn rất mới, nhưng sau đó, tôi đã giấu sâu trong gầm giường vì nghĩ không cần dùng". Thích ngắm nhìn giày cao nhưng mỗi lần đi qua cửa hàng, ánh mắt cô gái trẻ chùng xuống rồi chống nạng đi thật nhanh: "Què rồi, đi sao được?".
27 tuổi, khi tự di chuyển trên nạng, bắt đầu tiếp cận với múa một chân, cô gái trẻ liều lĩnh thử đi giày cao gót. Xỏ chân vào rồi đứng trước giương, Băng mỉm cười khi thấy mình cao lên, dáng đẹp hơn và cô quyết tâm tập đi giày cao gót.
Dần dần, cô tự tin bước đi trong nhà, ra ngoài đường và giờ là đi bất kỳ đâu với chiếc giày cao gót của riêng mình. Trước những câu nói châm biếm, chế giễu về chân, chiếc giày cao gót đang đi, Băng cho rằng: "Khi bạn không hiểu rõ về họ, đừng bắt hay khuyên ai đó phải làm gì tốt nhất".
- Bạn chỉ đi được một chiếc giày. Vậy chiếc còn lại, bạn làm gì?
- Tôi làm được nhiều thứ hơn là bỏ đi!
Mất một chân, Băng tập quen với việc chỉ sử dụng một chiếc giày. Nhưng thay vì vứt đi, cô đem tặng (giày thể thao) cho những người cần, còn với giày cao gót, cô giữ làm kỷ niệm.
"Nếu đặt giày cao gót ở nước ngoài, tôi thường yêu cầu họ gửi một chiếc. Còn khi được tặng hay mua trong nước, tôi sẽ giữ chiếc còn lại vì chúng quá cao (14 cm) rất khó có người đi được".
Nghĩ đến mình của 8 năm trước, Băng rùng mình nhớ tới cảm xúc đau đớn tột cùng khi mất chân.
"Khi tham gia Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết tôi định hát, nhưng nhiều người hát quá, tôi đánh liều sang nhảy". Từ trước đến nay chưa có ai biên soạn bài nhảy cho người một chân, nên cô tự biên đạo một bài nhảy và trình diễn trước sự thích thú và hưởng ứng từ mọi người.
Kết thúc cuộc thi Băng ẵm ba giải: Giải quán quân, giải nhất tài năng và giải thí sinh được yêu thích nhất. "Đoạt giải tôi bất ngờ lắm vì trước giờ tôi chưa từng nghĩ mình đẹp hay tài năng. Trước đây khi mới quen nhau, chồng tôi từng khen tôi đẹp mà tôi không tin vì nghĩ anh đang động viên".
Chia sẻ về dự định trong tương lai, cô muốn lan tỏa nhiều thông điệp tích cực từ bản thân đến nhiều người vì: "Cho đi là hạnh phúc".