Lễ Thất Tịch là gì?
Ngày Thất Tịch theo văn hóa phương Đông là ngày lễ tình yêu được tổ chức vào 7/7 Âm lịch, đôi khi được người phương Tây gọi là Ngày Valentine châu Á. Lịch sử về ngày này gắn bó với câu chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ. Theo truyền thuyết, sau một năm xa cách, cứ đến ngày này hằng năm, Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau bên cầu Ô Thước.
Đây là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc để các cô gái trẻ trưng bày các món đồ nghệ thuật tự tạo, và cầu mong lấy được một tấm chồng tốt. Ngày này còn có các tên gọi khác như: Khất xảo tiết – Lễ hội thể hiện tài năng, Thất thư đản – Sinh nhật cô em thứ bảy, Xảo tịch – Đêm kỹ năng. Tại Hàn Quốc, cũng có một hình thức giống lễ Thất Tịch là lễ Chilseok. Nhật Bản cũng kỷ niệm lễ hội này để tưởng nhớ ngày gặp gỡ của Orihime (Chức Cơ, sao Chức Nữ) và Hikoboshi (Ngạn Tinh, sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata, nhưng theo dương lịch.
Truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ ở Việt Nam
Tại Việt Nam, truyền thuyết nổi tiếng nhất về cặp đôi này đề cập đến việc Ngưu Lang - một tiểu tiên đảm nhận việc chăn trâu của Ngọc Hoàng vì quá say đắm Chức Nữ, tiểu tiên dệt vải trên thiên đình nên đã bỏ bê công việc của mình. Và đáp lại tình cảm đó, Chức Nữ cũng vì động lòng với Ngưu Lang nên đã khiến việc dệt vải của mình chậm trễ. Đến khi Ngọc Hoàng phát hiện liền ra chỉ thị trách phạt hai người bằng cách tách họ ra, người đầu sông Ngân, người cuối sông.
Thế là quá đau lòng, Chức Nữ suốt ngày oán than rửa mặt bằng nước mắt. Những giọt nước mắt này rơi xuống trần gian tạo thành mưa ngâu. Cảm động tình cảm đôi lứa dành cho nhau, Ngọc Hoàng liền sai người cho xây một chiếc cầu bắt ngang qua dòng sông Ngân để Ngưu Lang - Chức Nữ có thể gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7.
Tuy nhiên, những người được Ngọc Hoàng sai đi xây cầu lại chẳng lo làm việc mà cãi nhau chí chóe. Ngọc Hoàng tức giận hóa đám tiểu tiên lắm chuyện này trở thành một đàn quạ, và cứ hễ ngày 7/7 âm lịch hằng năm đến, đám quạ này phải có nhiệm vụ kết cánh tạo thành cây cầu cho đôi uyên ương gặp gỡ. Cũng có nhiều dị bản khác cho rằng, không chỉ có quạ, mà chim khách cũng phải đảm nhận việc kết cánh xây cầu, nên cây cầu mới có tên là Ô Thước (ô là quạ, thước là chim khách).
Ăn đậu đỏ trong Lễ Thất Tịch để cầu tình duyên
Không chỉ là một loại đậu dùng để nấu chè, nấu cháo, đậu đỏ còn có nhiều công dụng phong thủy. Theo quan niệm dân gian, đậu đỏ không chỉ giúp bạn tránh được những điều xui rủi mà còn giúp con đường tình duyên của bạn gặp nhiều may mắn. Nếu ăn đậu đỏ hoặc mang theo đậu đỏ bên mình thì sẽ nhanh chóng gặp được "ý trung nhân", nên duyên vợ chồng và sống cả đời hạnh phúc bên nhau.
Đậu đỏ (hồng đậu), chữ “hồng” (đỏ) giống cách phát âm của chữ “hồng” (lớn) nên có tên gọi là “hồng vận đoàn viên” (cả nhà tụ hội, có vận may lớn). Theo khoa học phong thủy, đậu đỏ có màu đỏ thẫm rất đẹp, tượng trưng cho sự may mắn. Đây là màu sắc sẽ giúp gia chủ "rước" thêm tài lộc vào nhà, đẩy lui đi mọi điều xui xẻo, buồn phiền. Không chỉ vậy, vận mệnh của người giữ hạt đậu đỏ sẽ đi lên theo hướng tích cực, tình duyên vào "ầm ầm", thuận buồm xuôi gió vì đậu đỏ sẽ giúp "hóa hung thành cát", kéo tài lộc vào, giúp mọi công việc đều thuận lợi.
Ăn đậu đỏ trong ngày Lễ Thất Tịch được xem là một hành động cầu duyên đối với nam nữ còn độc thân, chưa tìm được ý trung nhân. Còn với những ai đã có đôi có cặp, món ăn này sẽ mang lại may mắn tốt lành, cầm sắt bền lâu. Tất nhiên, đây là niềm tin về mặt tinh thần mà người xưa truyền lại.
Bên cạnh món ăn, túi đựng đậu đỏ cất dưới gối cũng được xem là một vật phẩm tuyệt vời cho bạn. Cách làm túi này rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một ít hạt đậu đỏ căng mẩy, không sâu mọt hay sứt mẻ và một chiếc túi gấm nhỏ có dây rút để có thể đóng miệng túi. Thả nắm hạt đậu đỏ vào túi, chú ý là đối với nam là 7 hạt, còn nữ là 9 hạt nhé. Thắt miệng túi lại và đem để dưới gối, cách một tuần thay đậu đỏ một lần.
Niềm tin may mắn sẽ giúp chúng ta có động lực hơn trong cuộc sống. Tất nhiên, muốn có kết quả tốt, nhất là về mặt tình duyên, sự nỗ lực, cố gắng của bản thân vẫn là điều quan trọng nhất. Ngưu Lang - Chức Nữ nhờ thật dạ yêu nhau mà lay động được Ngọc Hoàng, bạn vẫn có quyền tin tưởng rằng đường tình duyên của mình rồi sẽ “thuận buồm xuôi gió” khi mình gặp được mảnh ghép thật sự của cuộc đời. Hãy xem việc ăn đậu đỏ trong Lễ Thất Tịch năm nay như một hành động tích lũy thêm may mắn cho mình nhé!
*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.