Sự việc xảy ra vào ngày 29.6 khi bố mẹ cháu là anh Triệu Tiến Lâm và chị Triệu Thị Khách đều 24 tuổi, dân tộc Dao, quê ở Thôn Lân Cà – xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn đi làm đồng, cháu ở nhà chơi với ông nội.
Lúc đó ở nhà có một bình nước sôi đặt trên bàn để chờ nguội, cháu bé đã kéo chiếc bình làm nước sôi trong bình đổ vào người gây bỏng mặt, lưng, ngực, bụng và 2 tay.
Các bác sỹ đã thăm khám và kết luận tổng diện tích bỏng 30% diện tích da với độ II và I. Đây là mức khá nặng với một cháu bé 2 tuổi.
Sau khi bị bỏng gia đình đưa cháu đến ngay bệnh viện huyện rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐKLS). Tại BVĐKLS cháu được xử lý vết bỏng và điều trị cấp cứu tích cực. Tuy nhiên vết thương của cháu chảy nhiều dịch, cháu bị sốt hơn 38 độ C và tình trạng ngày càng nặng lên. Với tình trạng này, cháu cần phải chuyển về điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.
Được biết xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn là một xã thuộc vùng hẻo lánh, đặc biệt khó khăn tỉnh Lạng Sơn. Bố mẹ cháu đều là người dân tộc Dao, là hộ nghèo của xã. Khi được các bác sĩ giải thích cần chuyển cháu Hà lên tuyến trên, cả hai vợ chồng anh Lâm, chị Khách đều khẩn khoản đề nghị Bệnh viện cho ở lại điều trị vì bố mẹ cháu hiện chỉ có 1 triệu đồng trong người, chuyển con lên tuyến trên thì không biết ăn uống sinh hoạt và tiền thuốc men cho con như thế nào.
Trước tình hình đó, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn đã quyết định hỗ trợ cháu bé 5 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do các nhà hảo tâm đóng góp, để gia đình có điều kiện ban đầu đưa cháu Hà lên tuyến trên. Ngày 30.6 BVĐKLS cũng ghi trong giấy chuyển viện và trực tiếp thông báo với Viện Bỏng Quốc gia về hoàn cảnh khó khăn của cháu bé để được tiếp tục giúp đỡ.
Với nhiều trường hợp các em nhỏ bị bỏng nặng là do so suất của người lớn, các bác sĩ tại đây cũng khuyến cáo, trẻ em bị bỏng, lỗi chung quy vẫn do người lớn sơ suất, lơ là trông coi. Đừng để một phút chểnh mảng trong việc chăm sóc làm thay đổi một cuộc đời, một số phận của đứa trẻ.
Đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng.
Do cơ thể của các bé liên tục phát triển trong khi phần da trên cơ thể bị bỏng lại không phát triển nữa nên để lại rất nhiều sẹo xấu, sẽ trở nên tự ti, mặc cảm trước bạn bè dẫn đến cuộc sống của các em cũng thua thiệt, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý lẫn tâm lý của đứa trẻ sau này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà ở trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng quôc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện và sử dụng đồ dùng không đúng cách.
Có những trẻ bị bỏng nặng do ngã vào nồi canh hay tiếp xúc với bàn ủi còn nóng/bàn ủi đang cắm điện, có cháu bị bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có bé bị bỏng dầu mỡ sôi do tiếp xúc với bếp,... thậm chí có trẻ bị bỏng do ôm bình nước nóng siêu tốc vào lòng.
Tai nạn bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của trẻ mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.