Không phải chỉ đến khi bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" nổi đình nổi đám thì vấn đề giữa mẹ chồng - nàng dâu nói riêng và với gia đình chồng nói chung mới trở nên nóng bỏng. Có lẽ, trong bất kỳ xã hội phụ hệ nào khi người con gái được gả đi thì cả cô gái và cha mẹ cô ta cũng sẽ cảm thấy áp lực. Sẽ là một điều hạnh phúc nếu như cô dâu mới được gia đình chồng yêu quý. Nhưng nếu cô ấy không thể hòa hợp với gia đình chồng, vấn đề xảy đến có thể là chuyện tan vỡ hạnh phúc lứa đôi.
Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng đến giờ nghĩ lại chị Hạnh vẫn còn cảm thấy lạnh người. 10 năm trước chị kết hôn với anh Thành sau 1 thời gian dài yêu nhau. Ngay từ khi bước vào nhà chồng, chị đã biết rằng mẹ chồng không ưa mình. Mẹ anh Thành luôn cho rằng anh cao ráo, đẹp trai, gia đình có điều kiện, vì thế có thể dễ dàng tìm được những người xinh đẹp, giỏi giang và nhất là không phải gái tỉnh lẻ như chị. Nhưng dưới sự quyết tâm của anh và chị, cuối cùng mẹ anh cũng đành phải xuôi theo.
Có điều khi lấy nhau về rồi, chị mới biết rằng mẹ anh bằng mặt mà chẳng bằng lòng với mình. Hết lần này đến lần khác, mẹ anh gây khó khăn cho chị. Chị làm gì cũng bị mẹ mặt nặng mày nhẹ, có khi còn chửi bới um lên làm cho làng trên xóm dưới cứ tưởng rằng chị là 1 cô con dâu vừa vụng, vừa đoảng, chỉ bảo thế nào cũng không khá lên được. Có ai biết được là với định kiến sẵn có, chị có làm gì thì mẹ chồng cũng không bớt khó chịu đi.
Khi chị có thai, tình hình lại càng tệ hơn. Mẹ chồng không những không chăm sóc, mà còn thường xuyên tỏ ra hắt hủi . Sinh con được vài tháng, chị bị trầm cảm nặng nề. Anh Thành thấy tình hình không ổn mới đưa chị về nhà bố mẹ đẻ sống 1 thời gian...
Đến bây giờ, chị vẫn không thể quên được những lúc trông con mệt mỏi vô cùng mà còn bị mẹ chồng dằn hắt. Có lúc chị có ý định tự tử, có lúc còn muốn ... giết con. Nếu không có khoảng thời gian về nhà bố mẹ đẻ, không biết chuyện gì đã xảy ra với chị.
Không chỉ mình chị Hạnh, rất nhiều cô con dâu cảm thấy không thể hòa hợp với gia đình chồng. Lý do lớn nhất, đó chính là sự khác biệt trong cách sống giữa 2 gia đình. Ví dụ như con dâu người Nam, bố mẹ chồng người Bắc, con dâu sống hiện đại, bố mẹ chồng truyền thống, gia đình con dâu và bố mẹ chồng có điều kiện kinh tế tài chính khác xa nhau... Trong nhiều gia đình có khi xảy ra trường hợp ngược lại với chị Hạnh, con dâu lại là người dằn hắt, lạnh nhạt với bố mẹ chồng chỉ vì cách sống không phù hợp.
Một lý do khác khiến cho nàng dâu không thể hòa hợp với gia đình chồng đó là vì tâm lý chưa sẵn sàng cho người mới xuất hiện. Nàng dâu còn trẻ nên vẫn còn muốn ở bên bố mẹ đẻ để được chiều chuộng. Ngược lại, gia đình chồng cũng chưa quen với việc xuất hiện thêm 1 người mới cùng sinh sống và hoạt động chung. Vì thế, trong cuộc sống chung xảy ra nhiều điều bất tiện.
Trong đa phần các trường hợp, thường là người con dâu cần phải nín nhịn để giữ hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, nếu đã cố gắng hết sức mà nàng dâu vẫn không thể hòa hợp với gia đình chồng, có thể rỉ tai chồng tìm cách tách ra sống riêng. Càng để mối bất hòa diễn ra trong thời gian dài, sẽ càng ảnh hưởng đến tâm lý của người trong cuộc. Nếu không sớm tìm ra giải pháp thì không những gia đình tan vỡ mà còn có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng khác.