Mama's boy hay "con trai cưng của mẹ" là cụm từ dùng để miêu tả những người đàn ông gắn bó phụ thuộc quá mức vào người mẹ của mình, ở độ tuổi mà lẽ ra anh ta nên sống, suy nghĩ và hành động một cách độc lập.
Biểu hiện của một "mama's boy" đích thực?
Nếu bạn vẫn còn đang lơ mơ về những dấu hiệu nhận biết một người đàn ông là "con trai cưng của mẹ", hãy nhớ lại (hoặc tìm xem) "Sống chung với mẹ chồng" - bộ phim từng khiến không ít chị em sục sôi căm phẫn vì kịch bản quá đỗi tréo ngoe cách đây 5 năm.
Nhân vật Thanh trong bộ phim này là minh chứng rõ ràng, dễ hiểu nhất để miêu tả một "mama's boy" đích thực.
Anh để mẹ quyết định mọi thứ trong cuộc sống của mình, từ chuyện nhỏ nhặt như bộ chăn ga gối đệm cho đêm tân hôn, hay kiểu nhẫn nên mua cho ngày cưới để "tránh mất giá"; tới cả những chuyện lớn khác như việc nên "dạy vợ" ra sao, rồi tái hôn với ai sau khi đã qua một đời vợ.
Nhiều người nghĩ những anh chàng là "con trai cưng của mẹ" thường không yêu và không biết bảo vệ vợ nhưng đây là niềm tin có phần chưa đúng. Các "mama's boy" có yêu vợ và có muốn bảo vệ vợ. Nhân vật Thanh trong phim "Sống chung với mẹ chồng" cũng vậy.
Vấn đề là kiểu đàn ông này yêu mẹ hơn yêu vợ và quan trọng nhất, họ đã quen nghe lời mẹ suốt mấy chục năm cuộc đời, nên chẳng biết nên làm sao để bảo vệ vợ dù muốn.
3 dấu hiệu thường thấy của một "mama's boy" đích thực:
1. Việc gì cũng hỏi mẹ, không tự tin để tự đưa ra quyết định trong cuộc sống.
2. "Mẹ cũng chỉ muốn tốt cho vợ chồng mình thôi mà" - câu cửa miệng của các "mama's boy" nếu mẹ và vợ không may có mâu thuẫn.
3. Nghe lời mẹ răm rắp, tiếng nói của vợ gần như vô giá trị.
Phụ nữ nên làm gì nếu không may lấy phải một người chồng là "mama's boy"
Đương nhiên, chẳng người phụ nữ nào lại mong chồng mình là một "mama's boy" chính hiệu. Nhiều khi phải lấy nhau về rồi, trải qua cảnh sống chung với mẹ chồng rồi mới ngỡ ngàng nhận ra chồng mình là kiểu đàn ông "con cưng của mẹ".
Trong tình cảnh ấy, đây là 3 điều phụ nữ nên làm:
1. Không cạnh tranh
Bạn không cần cạnh tranh với mẹ chồng. Nếu chồng so sánh bạn với mẹ, đó là lỗi của anh ta. Điều bạn cần làm là vạch ra những ranh giới rõ ràng trong mối quan hệ vợ chồng và mối quan hệ mẹ - con trai, mẹ - con dâu.
Hãy để chồng bạn hiểu rằng bạn và mẹ chồng có những vai trò khác nhau trong cuộc đời anh ấy. Không ai trong hai người có thể thay thế lẫn nhau.
2. Không kéo chồng vào những bất đồng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu
Lời khuyên này có thể sẽ không đúng nếu chồng bạn là một người đàn ông trưởng thành, có chính kiến. Nhưng nó lại hoàn toàn hữu ích trong trường hợp chồng bạn là một "mama's boy". Kéo "con cưng của mẹ" vào những cuộc tranh luận với mẹ, hẳn nhiên bạn đã tặng cho mẹ một đồng minh rồi đấy.
Thế nên, hãy yêu cầu chồng không can thiệp, không tham gia và giữ thái độ trung lập với những bất đồng giữa bạn và mẹ chồng.
3. Nếu không thể cố, hãy từ bỏ
"Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời". Nếu bạn đã cố gắng, đã "lạt mềm buộc chặt" mà mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vẫn không chuyển biến tích cực, hoặc những nỗi tủi hờn trong đời sống hôn nhân vẫn không vơi bớt, có lẽ đã đến lúc nên kết thúc.
Mẹ chồng có thể không có ý xấu nhưng quan trọng là người đàn ông bạn chọn làm chồng mãi không chịu ra khỏi sự chở che của mẹ thì sao có thể gánh vác cả 1 gia đình?!
Phụ nữ xứng đáng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc bên một người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh và trưởng thành.