Vòng tránh thai là dụng cụ có hình chữ T, có dây. Vòng này được đưa vào buồng tử cung của người phụ nữ để ngăn cản sự thụ thai và khi lấy ra thì sẽ mang thai bình thường.
Nhiều biến chứng khi "đi lạc"
Mới đây, một phụ nữ (30 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang) bị đau vùng bụng dưới, tiểu buốt. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang kiểm tra thì phát hiện vòng tránh thai đã "đi lạc" vào bàng quang.
Theo gia đình bệnh nhân, bệnh nhân đã đặt vòng tránh thai cách đây 4 năm, sau 20 ngày siêu âm không thấy vòng tránh thai nên nghĩ vòng đã rơi ra ngoài mà không đi kiểm tra.
Đây là một trong những trường vòng tránh thai "đi lạc" vào cơ thể. Trước đó cũng có nhiều chị em phụ nữ phải tiến hành phẫu thuật vì vòng tránh thai "đi lạc" vào ổ bụng, hay em bé sinh ra cùng vòng tránh thai...
Bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà - chuyên sản phụ khoa - cho biết hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai tạm thời. Theo đó, không có biện pháp tránh thai nào an toàn tuyệt đối, mỗi biện pháp đều có những ưu - nhược điểm riêng.
Theo bác sĩ Hà, cũng như những biện pháp tránh thai khác, vòng tránh thai cũng tồn tại một số nhược điểm như có thể gây nhiễm khuẩn, thủng tử cung (1%), rơi dụng cụ tử cung, rong kinh, rong huyết, đau bụng (2-5%), mang thai ngoài tử cung…
Nguy hiểm hơn, nếu đặt vòng trong một thời gian dài mà không khám và siêu âm định kỳ để kiểm soát vòng thì vòng sẽ lấn từ từ rồi xuyên qua cơ và đi vào ổ bụng, thậm chí đâm vào ruột.
Trong trường hợp này nếu phát hiện thì phải tiến hành phẫu thuật nội soi buồng tử cung hoặc nội soi ổ bụng để lấy vòng ra.
Chống chỉ định trường hợp nào?
Mặc dù đây là biện pháp tránh thai phổ biến, an toàn nhưng bác sĩ Hà cho hay vòng tránh thai cũng có chống chỉ định đối với phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để đặt vòng tránh thai sẽ rơi vào ngày thứ 5-7 chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, vòng tránh thai cũng chống chỉ định đối với chị em phụ nữ đang bị viêm nhiễm tử cung; bị rong kinh, rong huyết; sa sinh dục độ 2-3; rách tử cung; mắc các bệnh lý rối loạn đông máu, tim mạch; mắc các bệnh ung thư (vú, cổ tử cung, thân tử cung…); dị ứng với đồng…
"Trên thực tế, có những người sử dụng được vòng tránh thai và ngược lại. Nếu bạn không thuộc đối tượng chống chỉ định nêu trên mà chọn biện pháp đặt vòng tránh thai thì cần theo dõi và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu đã ổn định thì cũng cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần nhằm tầm soát ung thư, xem vị trí vòng..." - bác sĩ Hà khuyến cáo.