Theo Đông y, quả cau còn được gọi là binh lang, có vị ngọt, tính bình, quy phế vị đại tràng kinh. Nó có tác dụng sát trùng phá tích, phòng khí lợi thủy, tuyên thông nhuận táo. Do đó, được kết hợp với các vị thuốc khác để phòng và điều trị nhiều chứng bệnh như đau bụng, trẻ nhỏ cam tích, ho khan, táo bón, trĩ, sốt rét, bệnh tê phù...
Theo nghiên cứu Y học hiện đại, trong cau có chứa chất kiềm có khả năng làm tê liệt sán xơ mít, diệt trùng hiệu quả. Nó cũng có tác dụng ức chế nấm và nấm độc.
Do đó, cau thường được dùng trong các bài thuốc để phòng và điều trị nhiều chứng bệnh, đặc biệt là các loại ký sinh trùng. Dưới đây là một số bài thuốc từ quả cau đã được giới thiệu trong cuốn sách Những phương thuốc hay trị bệnh từ hoa quả củ (Liệu pháp hoa quả củ):
Trị giun đũa, giun móc ở trẻ nhỏ: Luyện căn bạch bì 20g, binh lang 20g, đường trắng vừa đủ. Lấy luyện căn bạch bì rửa sạch, bỏ vỏ; cho cùng binh lang vào nồi, thêm nước sắc lấy 60ml nước thuốc đặc. Cho đường trắng vào hòa uống trước khi đủ ngủ, uống liền 2 ngày.
Trị giun kim: Binh lang 50g, hồi hương 10 quả; lấy binh lang thái nhỏ, cho vào nồi cùng hồi hương, thêm nước vừa đủ, sắc lấy nước thuốc. Mỗi ngày chia 2 lần, uống liên tục 5-7 ngày. Hoặc bạn cũng có thể lấy binh lang 30-60g, gạo lứt 50-100g; cho binh lang vào nồi sắc lấy nước bỏ bã, thêm gạo lứt vào nồi nấu thành cháo.
Trị sán xơ mít, giun đũa: Binh lang, nam qua tử mỗi loại 15-20g. Lấy nam qua từ nghiền nhỏ, cho lượng đường trắng vừa đủ vào đảo đều; binh lang sắc lấy nước thuốc uống, mỗi ngày 1 lần, khi bụng đói. Bạn cũng có thể lấy năm qua tử 60g, sao chín bỏ vỏ, ăn khi bụng đói. Cách 2 tiếng sau lấy binh lang 45g sắc lấy nước thuốc uống. Sau nửa tiếng lấy tiếp huyền minh bột 9-12g hòa nước uống (trẻ nhỏ lượng dùng giảm) để người mắc bệnh đi tả, đẩy trùng bị chết ra khỏi cơ thể.
Trị thanh quang nhãn, nhãn áp tăng cao: Binh lang 9-18g, sắc lấy nước thuốc uống. Sau khi uống người dùng sẽ bị tả nhẹ. Nếu không tả có thể tăng liều dùng, thuốc có thể gây phản ứng đau bụng, nôn.