Họ có thể là diễn viên điện ảnh, diễn viên hài, ca sĩ, thậm chí Hoa hậu, người mẫu cũng không ngại cầm mic “đá chéo sân”. Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao “đất sống” của các MC chính thống ngày càng thu hẹp, trong khi nghệ sĩ lấn sân lại có vẻ ăn nên làm ra ở địa hạt này?
Khi người nghệ sĩ muốn hướng tới hình tượng đa năng
Nói tới nghệ sĩ đa năng bậc nhất trong showbiz Việt, không thể không kể đến hai cái tên đình đám bậc nhất hiện nay là Trấn Thành và Trường Giang. Hầu hết các gameshow giải trí đình đám đều do Trường Giang hoặc Trấn Thành thay phiên nhau dẫn dắt. Chính nhờ cái duyên sẵn có cộng thêm tài ăn nói lưu loát, hai nam nghệ sĩ đắt show như "tôm tươi". Bên cạnh đó, Ngô Kiến Huy, Ốc Thanh Vân, Hari Won cũng đang là những gương mặt quen thuộc cầm trịch nhiều chương trình giải trí trên sóng truyền hình.
Xây dựng một hình tượng đa năng được xem là nhu cầu tất yếu của người nghệ sĩ trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện tại. Hơn nữa, trong giai đoạn phim và sân khấu đang gặp khó khăn thì “lấn sân” làm MC với nhiều diễn viên, ca sĩ trẻ là cơ hội để “hâm nóng”, gặp gỡ, giao lưu, đến gần hơn với số đông khán giả, và chứng tỏ sự đa năng ở nhiều địa hạt nghệ thuật. Thậm chí có những người đã xem công việc làm MC là “cứu cánh” để tiếp tục hoạt động nghệ thuật khi sự nghiệp âm nhạc hay đóng phim dần chững lại.
Sự tương đồng trong tính chất công việc
Thực chất, MC vốn đã là một công việc liên quan đến showbiz. Việc xuất hiện với hình ảnh xinh đẹp, váy áo phấn son và sử dụng nhiều tài lẻ để kết hợp trong quá trình làm việc đã biến nghề MC trở nên “lung linh” trong mắt của nhiều người. Và thật trùng hợp, tính chất công việc của nghệ sĩ cũng không khác là bao.
Nghệ sĩ vốn có sẵn khiếu hoạt ngôn, cộng thêm khả năng sử dụng ngôn ngữ hình thể cực kỳ linh hoạt. Đấy là chưa kể nhiều nghệ sĩ đã có sẵn trong tay một ekip hùng hậu, việc đầu tư quần áo, tóc tai không có gì là khó khăn với họ.
Nhiều nghệ sĩ rất “chăm chỉ” sử dụng tài lẻ để kết hợp trong quá trình làm việc, giúp chương trình của mình trở nên thu hút và ấn tượng hơn. Trấn Thành thi thoảng vừa dẫn vừa hát, Trường Giang làm hẳn một kênh YouTube dạng trải nghiệm thực tế liên quan đến nấu ăn vì ai cũng biết “Mười Khó” rất có tài trong việc bếp núc.
Nhiều gameshow đòi hỏi sự hài hước, tăng động, thậm chí là “lầy lội”, nghệ sĩ hài “bao show”. Họ sử dụng những mảng miếng trên sân khấu hài để tung hứng với bạn dẫn và khách mời, khán giả, giúp chương trình trở nên sôi động và thu hút. Chưa kể, bản thân nghệ sĩ là những người luôn dạt dào cảm xúc, họ dễ dàng biểu lộ sự đồng cảm vui buồn cùng nhân vật. Đại Nghĩa, Việt Hương, Hồng Đào - bộ ba nghệ sĩ hài nổi tiếng - cùng nhau dẫn dắt chương trình vừa vui vừa sâu sắc - “Làm vợ phải thế”, Quốc Thuận và NSND Hồng Vân cũng xuất hiện với vai trò tương tự trong “Vợ chồng son”.
Thị hiếu khán giả và tính toán của nhà đài
Điều không thể phủ nhận là nghệ sĩ xuất hiện trong vai trò MC, ngoài nhiệm vụ dẫn dắt, cầm trịch, họ còn là nguồn “câu view” cực hiệu quả cho chương trình đó. Không khó để bắt gặp những nhận xét từ khán giả: Xem chương trình A vì có nghệ sĩ B dẫn, hay nếu đổi nghệ sĩ C, họ sẽ không xem chương trình nữa.
Bản thân nghệ sĩ đã sở hữu một lượng fan tương đối, chưa kể sao hạng A có lượng fan hùng hậu. Khi họ dẫn một chương trình nào đó, tự nhiên lượng fan này sẽ trở thành khán giả thường trực của chương trình. Đây là một điều có lợi vô cùng cho nhà đài.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả thích nghệ sĩ làm MC hơn là MC chính thống. Nếu nghệ sĩ làm MC, họ có nhiều cái để bàn tán, mổ xẻ hơn. Trong thời đại mà vẻ ngoài lên ngôi, nhu cầu thưởng thức cái đẹp tăng lên, việc thấy một cô Hoa hậu, Á hậu hay diễn viên xuất hiện đã đủ khiến nhiều người hài lòng. Có thể họ nói chưa hay, chưa tốt, thậm chí là nói vấp, nói sai, tất cả đều được cho qua bằng câu nói “đẹp là được”. Jennifer Phạm thậm chí còn làm host của một chương trình trải nghiệm mang tên “Du ký cùng Hoa hậu”. Những MC nữ không phải là hoa hậu làm sao có thể dẫn dắt được một chương trình có cái tên “thách thức” thế này?
Không quan trọng “ngoại đạo” hay chính thống, quan trọng là chất lượng
Trên thực tế có không ít diễn viên, ca sĩ khi “lấn sân” làm MC đã nhận được giải thưởng danh giá “Người dẫn chương trình được yêu thích nhất” của Mai Vàng, HTV Awards, VTV Awards như: Cát Tường, Trường Giang, Trấn Thành, Quyền Linh, Ngô Kiến Huy, Bình Minh,… Nhiều chương trình mà họ cầm mic trên sóng truyền hình đã lọt vào top rating cao hoặc rất cao. Có những thời điểm, khán giả từng quên mất Bình Minh hay Quyền Linh vốn là diễn viên điện ảnh, Đại Nghĩa là diễn viên sân khấu hay Ngô Kiến Huy, Minh Xù là ca sĩ bởi độ “phủ sóng” của họ ở lĩnh vực MC.
Tất nhiên để đạt được thành công ở lĩnh vực mới, các diễn viên, ca sĩ không chỉ phát huy kỹ năng (ca hát hay diễn xuất, nhảy múa) đã có mà còn phải trau dồi, tập luyện nhiều kỹ năng khác như sự hoạt ngôn và thông minh trong cách diễn đạt ngôn từ, sự khéo léo và tinh tế trong cách xử lý sân khấu, xử lý tình huống, sự đa năng, linh hoạt về kiến thức xã hội,… để đáp ứng yêu cầu dẫn dắt nhiều dạng chương trình giải trí khác nhau.
Tuy nhiên, không ít trường hợp nghệ sĩ “rẽ bước sang ngang” thất bại và tạo ra nhiều ức chế đối với khán giả vì cách dẫn thiếu chuyên nghiệp, lỗi khó chấp nhận. Suy cho cùng thì chất lượng dẫn dắt vẫn là cái mà khán giả mong muốn sau cùng. Để có nguồn MC chất lượng, các nhà đài hoặc ban tổ chức các chương trình cần phải thể hiện sự tôn trọng khán giả bằng cách tuyển chọn, liên tục đào tạo người dẫn chương trình chứ không thể chọn một cách dễ dãi, qua loa.
Bản thân nghệ sĩ khi làm MC cũng cần hiểu rõ vai trò của mình để tự học hỏi và trau dồi, đồng thời phải có phông văn hóa, kiến thức, có cách xử lý nhanh nhẹn và khéo léo trong những tình huống không nằm trong kịch bản.