Người đời vốn có câu “họa từ miệng mà ra”. Trong giáo lý nhà Phật lại có cụm từ “khẩu nghiệp”. Dân gian lại kỵ kẻ “khẩu Phật tâm xà”…Xưa nay có câu "Miệng ăn núi lở", của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị mắc oán, cũng do cái miệng nầy hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người. “Thần khẩu nó hại xác phàm, Người nào nói quá họa làm khổ thân. Lỡ chân gượng được đỡ lên. Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi”.
Chẳng ai quảng cáo mình là "khẩu Phật tâm xà" bao giờ...nhưng không ít người tự giới thiệu mình là "khẩu xà tâm Phật"... (hoặc là đại khái nói "tôi hay thế này thế kia, nhưng thực ra thì không có gì đâu"). Nếu thực sự là 'tâm Phật" thì có cần tự biện hộ hay không... nếu đã dùng mấy chữ "khẩu xà tâm Phật" để biện hộ thì liệu trong tâm có Phật hay không...
“Lời nói không thể thấy, không thể cầm nắm được, hình như không có tướng, thế mà tự xưa nay đã gây nên biết bao nụ cười và nước mắt. Có phản ứng tức có tác nhân. Nói đến nhân là nói tướng. Vậy tướng của lời nói là gì? Người nóng nảy thì hay nói lời xúc xiểm, người dối trá thì lời nói trơn tuột, chẳng thể bắt bẻ họ, nhưng cũng không thể hiểu tâm họ ra sao? Người thâm hiểm thì nói xúc phạm đến kẻ khác bằng giọng nói như hiền từ… tất cả ngôn ngữ này đều phát sinh từ một gốc, đó là Tâm; Và do đó tướng của ngôn ngữ là Tâm. Tâm Phật thì lời nói là pháp thiện, Tâm chúng sanh thì lời nói thành ác nghiệp. Tâm chúng sanh có muôn ngàn tướng thì lời nói cũng gây muôn ngàn nghiệp báo.
Nói tóm lại, không cần hành động thất đức hay độc ác, chỉ cần miệng lưỡi không xương đá đưa vài cái là có thể tạo nên nghiệp. Mà đôi khi ở đời, chúng ta chẳng lường trước được. Nhiều khi cố ý, lắm khi lại vô tình. Vậy nên hôm nay tôi đây mạo muội chia sẻ cùng các bạn một vài điều cần tránh.
Theo đạo lý nhân quả trong Phật giáo thì một việc làm, một lời nói hay một ý niệm, suy nghĩ của thân, miệng, ý dù đó là thiện hay bất thiện đều đưa đếnkết quả nhất định của nó. Những hành vi, lời nói, suy nghĩ được lặp đi lặp lại nhiều lần thì kết quả hiện hành rõ ràng hơn, chi phối mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày của cá nhân đó.
Như vậy, với những người thường dùng lời nói thâm độc, thô bạo để mắng nhiếc, chửi rủa người khác thì chính bản thân người ấy đã thể hiện lối sốngthiếu đạo đức và văn minh. Dần dần sẽ hạ thấp hình ảnh của tự thân khiến người xung quanh xa lánh.
Nói về quả báo của ác khẩu, trong Kinh Tứ thập nhị chương có câu chuyện, giữa hồ nước đen kịt giữa lòng thành phố có con thú trăm đầu nổi lên. Người ta mới hỏi Đức Phật tại sao có con thú trăm đầu, quả báo gì? Phật bảo con thú trăm đầu này trước chửi một vị tỳ kheo là bò, đồ chó, đồ khỉ…gán vào vị tì kheo cả trăm con vật khác nhau. Vì thế mà kiếp sau ông sinh ra một con thú trăm đầu y như lời ông đã chửi.