Mỗi người sinh ra đều gánh trên vai một trách nhiệm, và tất nhiên, có trách nhiệm thì sẽ có áp lực. Tiền bạc, công việc, gia đình dễ khiến người ta lâm vào trạng thái mệt mỏi, hoang mang. Người nghèo muốn có tiền, người cô đơn muốn tìm hạnh phúc, kẻ thất bại khao khát thành công. Cứ thế, ai cũng thấy mình sao mà quá khổ!
Biết mình khổ là một chuyện, nhìn thấy người xung quanh khổ lại là chuyện khác. Một người thất nghiệp luôn nhìn những ông chủ bằng cặp mắt ghen tị pha lẫn ngưỡng mộ. Một kẻ cô đơn luôn cảm thấy những ai có người yêu quả là hạnh phúc nhất trần đời. Và lẽ dĩ nhiên, một người bình thường luôn cho rằng những idol “sinh ra đã ở vạch đích” mất rồi!
Tìm một vài “cái khổ” của những ông chủ hay những ai có người yêu để phản biện vốn dĩ là chuyện không quá khó. Ông chủ sợ làm ăn thua lỗ, người đang yêu sợ đổ vỡ, giận hờn. Nhưng tìm “cái khổ” của những idol - những người “sinh ra đã ở vạch đích” - xem chừng khá cam go.
Như Sulli, xinh đẹp, có tài, 25 tuổi đã được biết bao người trầm trồ nhắc đến. Sulli về SM Entertainment làm “công chúa”, được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, Sulli tạo ra một loạt scandal động trời, động đất nhưng vẫn thản nhiên trụ vững trong thế giới hào quang, Sulli được mặc định sinh ra để làm người nổi tiếng. Chắc không ít người nghĩ: Thế này là đã quá đủ cho một kiếp người rồi!
Thế mà con người “sinh ra để làm người nổi tiếng” ấy lại từ bỏ thanh xuân, từ bỏ cuộc đời ở tuổi 25, cái tuổi đẹp nhất của người phụ nữ, cái tuổi đỉnh cao của nhan sắc và danh vọng. Nhiều người thắc mắc, thậm chí tỏ ra khó chịu: Sống sung sướng thế mà không biết hưởng!
Lục lại quá khứ, Sulli không phải là idol đầu tiên của xứ Hàn chọn cái chết để “giải thoát cho mình”. Xét trong hiện tại, showbiz Hàn cũng không phải là môi trường duy nhất tồn tại những idol “đường cùng bấn loạn”. Nếu họ thật sự sung sướng thì làm gì có cụm từ “giải thoát” hay “đường cùng” xuất hiện ở đây!?
“Em nói em mệt rồi, nhưng không ai tin em cả” - Sulli từng nói như thế trên sóng truyền hình. Jonghyun trước khi mất có để lại bức di thư: "Tôi thực sự sụp đổ từ sâu thẳm mình. Trầm cảm đang dần nuốt chửng và khiến tôi thất bại. Tôi không thể chống lại". “Búp bê sống” Goo Hara trước khi tự tử đã từng tâm sự: "Phải giả vờ vui vẻ trong khi bản thân mệt mỏi. Giả vờ như không có gì trong khi bản thân lại đau đớn. Sau khi sống với từng đó áp bức, bên trong tôi như đã vỡ vụn thành trăm mảnh".
Đến đây, có lẽ ít nhiều người ta cũng hình dung được lý do vì sao nhiều idol quyết định chọn cái chết để giải thoát cho mình. Ông chủ cửa hàng lỗ vốn, nói với vợ con. Người đang yêu giận hờn, đổ vỡ, nói với bạn bè. Còn những idol mang áp lực không tên, họ nói với ai?
Nói với gia đình, bạn bè, khán giả hay antifan? Không ai cả! Nếu có nghe, chưa chắc người ta hiểu, hiểu rồi, chưa chắc người ta tin. Cứ thế, ngày qua ngày, mọi thứ tích tụ, âm ĩ, và đợi đến một lúc nào đó, nó bộc phát như núi lửa phun trào hủy diệt tất cả.
Fan nhìn thấy idol hát hay, mặc đẹp, ăn sung mặc sướng, mỗi lần gặp là mỗi lần bấn loạn tim gan. Antifan thấy họ làm gì cũng chướng tai, gai mắt, không tiếc lời miệt thị, chửi bới. Gia đình thấy họ thành công hơn người khác gấp trăm lần, bạn bè cho rằng họ ở một thế giới khác xa mình. Hàng trăm, hàng ngàn cảm xúc, thái độ dồn về một con người. Bản thân người nổi tiếng đôi khi tự hỏi “Tôi là ai và đây là đâu!?”.
Nổi tiếng hay không, cũng là một con người. Hoạt động showbiz hay không hoạt động showbiz, cũng đều phải sống. Con người được bình đẳng, cuộc sống vốn công bằng, hãy để cho những idol được hưởng cái công bằng, bình đẳng đó. Đừng ép họ vào một thế giới của những “siêu nhân” hay “dị nhân” như mình nghĩ. Hành động tưởng chừng vô hại ấy thật ra tàn nhẫn đến khó tin! "Nếu có kiếp sau, đừng làm người nổi tiếng" - nhiều idol vẫn tự dặn lòng như thế.