Mái tóc khô, xơ cứng, và chẻ ngọn là hậu quả thường thấy sau khi xử lý tóc bằng hóa chất như uốn, ép, nhuộm. Để phục hồi tóc hư tổn và khiến cho mái tóc suôn mượt như nhung, bạn có thể thực hiện theo hai cách ủ tóc tại nhà như dưới đây.
Cách ủ tóc tại nhà bằng dầu dừa
Tác dụng của dầu dừa với mái tóc
- Làm mềm tóc, phục hồi tóc hư tổn, và nuôi dưỡng tóc từ bên trong: Dầu dừa giúp làm giảm hiện tượng mất protein ở tóc. Axit lauric trong dầu dừa dễ dàng thâm nhập vào trong thân tóc làm cho tóc mềm và hết xơ rối. Ủ tóc tại nhà đúng cách sẽ mang lại hiệu quả sau 7 lần sử dụng.
- Làm cho tóc bóng mượt và hết xơ rối: Dầu dừa giúp tóc giữ được độ ẩm, trở nên bóng mượt và hết cảnh tóc bị rối bù trên đầu.
- Giúp tóc mọc nhanh và dày hơn: Các loại vitamin và axit béo thiết yếu có trong dầu dừa giúp loại bỏ bã nhờn tích tụ từ nang lông, kích thích chân tóc giúp tóc mọc nhanh hơn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Dầu dừa (chiết xuất tự nhiên và không qua xử lý hóa chất).
- Mũ chụp tóc bằng nilon.
- Khăn quấn tóc.
Các bước thực hiện
Bước 1 – Chuẩn bị dầu dừa để ủ tóc: Làm ấm dầu dừa bằng cách hấp cách thủy hoặc dùng lò vi sóng. Chú ý không để dầu sôi lên vì sẽ làm mất tác dụng của dầu dừa. Nếu bạn để dầu dừa trong tủ lạnh thì cần thêm chút thời gian để dầu dừa tan ra.
Bước 2 – Gội đầu sạch trước khi ủ tóc bằng dầu dừa: Gội đầu sạch sẽ bằng dầu gội đầu. Lưu ý không dùng dầu xả, kem ủ nào khác sau khi gội. Lau tóc đến khi tóc còn ẩm để tinh dầu dừa có thể thấm vào tóc sâu hơn (không sấy khô tóc)
Bước 3 – Ủ tóc với dầu dừa: Chia tóc ra thành hai phần rồi dùng dầu dừa mới làm ấm xoa lên tóc. Nhẹ nhàng xoa dầu dừa từ gốc đến ngọn để dầu thấm vào từng sợi tóc. Sau khi đã xoa đều, quấn tóc gọn lại và dùng kẹp cố định không để tóc rơi ra. Lấy mũ chụp lên tóc và dùng khăn quấn quanh trán để nước hoặc dầu không chảy xuống mắt. Thời gian ủ: Nếu tóc bạn khô và hư tổn, cần ủ trong 30 phút. Nếu da đầu bạn là da dầu thì chỉ cần ủ khoảng 15-20 phút.
Bước 4 – Làm sạch tóc sau ủ: Dùng nước ấm gội sạch đầu. Nên gội liên tục từ 2 đến 3 lần cho đến khi thấy da đầu không còn dầu. Ủ tóc tại nhà đơn giản nhưng bước cuối cùng này rất quan trọng vì nếu không làm sạch tóc sau ủ thì sẽ dễ dẫn đến tóc bị bết, da đầu bị dầu, bị viêm da hoặc nấm da đầu. Nên thực hiện ủ tóc bằng dầu dừa 1 tuần 1 lần.
Cách ủ tóc tại nhà bằng trứng gà và dầu dừa
Bên cạnh dầu dừa, trứng gà có những công dụng sau với mái tóc:
- Kích thích tóc mọc nhanh: trong trứng gà có nhiều lưu huỳnh – một thành phần quan trọng của tóc. Trứng gà giúp kích thích da đầu và nuôi dưỡng chân tóc.
- Giúp tóc hết khô, xơ rối, chẻ ngọn: Protein trong trứng gà giúp nuôi dưỡng tóc và phục hồi tóc. Lòng đỏ trứng cũng có nhiều chất béo do đó có thể giúp tóc trở nên mềm mượt hơn. Lecithin có trong trứng gà giúp giữ ẩm cho tóc.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Trứng gà: 2 quả (chỉ lấy lòng trắng nếu tóc dầu, lấy cả quả hoặc chỉ lấy lòng đỏ nếu tóc thường, tóc khô, hư tổn).
- Dầu dừa: 1 thìa.
- Nước cốt chanh: ½ thìa nhỏ (để át mùi của trứng).
Cách bước thực hiện
Bước 1 – Chuẩn bị kem ủ tóc: Trộn trứng gà với dầu dừa và 2 đến 3 giọt nước cốt chanh. Sau đó đánh cho đến khi nổi bọt.
Bước 2 – Làm sạch tóc trước khi ủ: Thực hiện giống như ủ tóc với dầu dừa.
Bước 3 - Ủ tóc với kem ủ đã chuẩn bị: Thoa đều kem lên tóc. Sau đó dùng mũ chụp tóc chụp lại, quấn khăn quanh trán cho nước không chảy xuống mặt. Ủ trong 20 phút cho đến khi chạm vào thấy trứng đã khô và hơi dính.
Bước 4 - Gội đầu làm sạch tóc sau ủ: Dùng nước lạnh hoặc nước ấm để gội đầu. Chú ý nếu gội nước nóng sẽ khiến trứng dính vào tóc. Nên gội 2-3 lần để kem ủ sạch hết khỏi da đầu. Có thể thay dầu dừa bằng dầu ô-liu hoặc mật ong. Nên ủ tóc bằng trứng và dầu dừa từ 2 đến 3 lần một tháng.
Có thể thấy rằng không quá khó để sở hữu một mái tóc mềm mượt. Chỉ cần kiên trì thực hiện các bước ủ tóc tại nhà như hướng dẫn trong bài viết, sau một thời gian ngắn là bạn có thể có mái tóc bóng đẹp như nhung.