Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc nước siêu rẻ và cách sử dụng rất đơn giản. Hóa chất này được bày bán công khai, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các thương lái, chủ vựa chỉ cần tiêm hoặc ngâm thuốc này vào trái cây, sau vài giờ sau chúng sẽ chín đều, có mùi thơm nồng hoặc để chưng vài tháng vẫn giữ nguyên hình dạng, không hề thay đổi.
Hoa quả tẩm hóa chất khoác lên mình đủ thứ nhãn mác "xịn" như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ... và được bán với giá cũng rất "xịn". Qua khảo sát thị trường từ chợ Đầu mối Long Biên, Hà Nội PV báo Phụ Nữ Sức Khỏe nhận thấy một số của hàng nhỏ lẻ, hay những gánh hàng rong khi được hỏi xuất xứ quả ở đâu đều khẳng định nhập khẩu từ nước ngoài nên đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn là những thùng xốp chi chít chữ Trung Quốc và mùi hóa chất nồng nặc.
Chị Nguyễn Thị Hồng - chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: ‘Trước đây chỉ chuyên buôn bán các loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng do số lượng người mua ngày càng giảm dần, đặc biệt là từ 2-3 năm nay người tiêu dùng gần như nói không với táo, lê Trung Quốc, nên chị gần như không bán hai loại quả này’.
Chị Hoài Thu, chủ một ki ốt ở đường Cầu Giấy chia sẻ: 'Buôn hoa quả như buôn rau, nơi nào rẻ thì mua'. Nhiều người kinh doanh hoa quả cùng thừa nhận, họ chỉ phải đăng ký kinh doanh chứ chưa bao giờ bị ai kiểm tra về chất lượng cũng như nguồn gốc hoa quả. Ngay tại chợ Long Biên, đủ loại hoa quả với các nhãn mác ngoại như me Thái, lê Hàn Quốc, nho Mỹ... chất thành đống. Nhưng nếu tận mắt chứng kiến các "công nghệ" làm mềm, làm tươi bằng đủ loại hóa chất, chắc chắn nhiều người không khỏi ghê sợ.
Chị Trần Thị Hoài - chủ một sạp hoa quả trên phố Mai Dịch (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, nếu khách hàng tinh ý sẽ nhận ra, từ nước Mỹ, Úc xa xôi về đến Việt Nam, một kilôgram nho bán ra chỉ 60-80 nghìn đồng thì làm sao có lãi. Đó chỉ có thể là hàng Trung Quốc mới có giá rẻ như vậy.
Việc sử dụng các loại quả có chứa nhiều chất kích thích, chất bảo quản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người sử dụng, nếu tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, tử vong.
Theo Bác sĩ Hồng Thị Hạnh (Chuyên khoa nghiên cứu nông sản, Viện nông sản Việt Nam) cho biết: ‘Hiện nay thuốc ép chín hay còn gọi là thúc tố chủ yếu chứa chất Ethrel tuy không là chất cực nguy hiểm nhưng cũng có độc tính nhất định như gây kích ứng da và mắt. Khi tiếp xúc trực tiếp với chất này sẽ làm đỏ mắt, ăn mòn da, gây sưng và đỏ da’.
Có nhiều người sử dụng ethephon với liều lượng cao, khiến trái cây tồn dư chất clorit làm người dùng bị ngộ độc. Ở giai đoạn đầu, sẽ có các triệu chứng như nhức đầu hay cay mắt, về lâu dài gan và thận của bạn sẽ ảnh hưởng bởi chất clorit tích tụ quá nhiều.
Bác sĩ Tường Vi (Giảng viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội) chỉ ra các yếu tố giúp người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là hoa quả hàng Việt Nam:
Xuất xứ: Không nên mua các loại quả trái mùa, không rõ nguồn gốc.
Màu sắc: Các loại quả có màu sắc bất thường hoặc bóng đẹp nhưng khi nhìn vào cuống thấy khô héo, thậm chí khi bổ có thấy phần màu nâu, đen,… cần phải kiên quyết loại bỏ.