Cách đây ít hôm, trong toilet một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở quận Tân Bình (TP.HCM), tôi bật cười khi thấy tấm giấy A4 in hình đối tượng ăn cắp hàng hóa cùng lời cảnh báo để mọi người nhận dạng. Nghi phạm bị camera “tóm gọn” là cô gái xinh xắn. Cô mặc chiếc đầm hai dây sang trọng màu tối, đang lén nhét hàng vào túi xách. Nhìn ở ngoài, chắc chẳng ai nghĩ cô thiếu thốn tới mức phải đi ăn cắp vặt mấy món đồ dùng nhà bếp.
Việc dán hình kẻ trộm ở cửa ra vào từng được khá nhiều siêu thị thực hiện. Sau này, việc ấy được cho là phản cảm, vi phạm nhân quyền, làm sai chức năng của cơ quan công an... nên các siêu thị đã ngừng. Tôi nghĩ cửa hàng tiện ích này muốn tránh lời qua tiếng lại, nên “rút vào góc khuất”.
Mấy hôm nay, có một kẻ bị “phủ sóng” hình dán nơi công cộng, nhà hàng, khu dân cư… Đó là Đỗ Mạnh Hùng - thủ phạm vụ "cưỡng hôn", quấy rối tình dục cô gái trẻ trong thang máy ở Hà Nội. Làn sóng đem hình của Hùng in ra rồi dán khắp nơi xuất phát từ sự ấm ức của cộng đồng, sau mức phạt hành chính quá “bèo” - chỉ 200.000 đồng mà cơ quan công an áp dụng cho hắn. Mức phạt buồn cười này khiến vụ việc lên cả báo chí Hàn Quốc.
Khi một số người đang băn khoăn không biết có nên cổ vũ cho phong trào "dìm chết tên đồi bại hay không", có luật sư nọ lên mạng xã hội phát biểu việc dán hình cảnh báo tại nhà hàng, quán xá thuộc phạm vi sở hữu của ai thì người đó không vi phạm luật.
Cũng có người nhớ lại vụ việc vài năm trước, một chủ cửa hàng điện thoại ở Singapore bán iPhone cho một thanh niên Việt Nam với giá trên trời, khiến thanh niên này quỳ mọp xin xỏ, tạo hình ảnh xấu xí cho ngành dịch vụ nước này. Vì thế, chính người Singapore đã dùng sức mạnh cộng đồng để trừng phạt tên chủ tiệm: chia sẻ hình ảnh và kêu gọi chỉ bán hàng hóa dịch vụ cho hắn với giá cắt cổ, cho hắn hiểu cảm giác của người khách Việt Nam bị “chặt đẹp” kia.
Là một phụ nữ từng bị quấy rối trên xe buýt, phải nghe lời dung tục bậy bạ trong thang máy… tôi đang thấy hả hê. Nhưng nghĩ sâu xa hơn, thật tình, việc bêu hình người xấu, việc xấu nơi công cộng cũng có phần nào giống một kiểu “hacker” hay phong trào “khoan cắt bê tông”, “tín dụng chợ đen” trên các cây cột điện, bờ tường.
Cũng chưa thể đánh giá hết hệ lụy nếu một ai đó bị oan hay nhầm lẫn hình ảnh, hoặc vi phạm của họ chưa đến nỗi bị cả cộng đồng xông vào ném đá, nhưng lại bị đối thủ lợi dụng để phát tán. Rồi thì người thân của họ sẽ sống ra sao khi ra đường là thấy hình cha mình, mẹ mình, con mình bị bêu riếu?
Trên một bản tin về môi trường, có cây cột điện ở quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) dán chi chít hình ảnh người xả rác. Theo ông tổ trưởng tổ dân phố, số hình ảnh ấy truy xuất từ camera con trai ông lắp, và nhờ đó tình trạng vứt rác bừa bãi giảm đi rất nhiều.
Đây là động thái “cực chẳng đã”, vì trước đó, dù canh chừng, nhắc nhở, dù bảng “cấm xả rác” chình ình, rác vẫn "tập kết" ngày đêm. Ông hy vọng khi tình hình vệ sinh ổn thỏa, sẽ tháo các tấm hình, chứ cũng không biết chiếu theo luật thì việc dán hình người khác lên cột điện đúng sai ra sao.
Biết làm sao được, khi lòng tin vào cơ quan chức năng và việc xử phạt của luật pháp chưa thỏa đáng, người ta sẽ nghĩ ra hàng loạt “mẹo” để xử lý theo cách của mình. Có đúng, có sai, có cả… rút kinh nghiệm lần sau, nhưng nào ai cấm cản được những cái đầu đang phẫn nộ…