Trung bình, suốt cuộc đời một người phụ nữ có thể nuốt khoảng 500 - 1.500 gram son. Loại mỹ phẩm phổ biến này thường chứa chì và nhiều loại hóa chất độc hại khác.
Trong quá trình sử dụng, chị em có thể vô tình nuốt phải lượng son môi khá lớn. Về lâu dài, việc này có thể gây hại đến sức khỏe. Dưới đây là một số ảnh hưởng nghiêm trọng đó:
Hệ thần kinh
Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, hơn 400 mẫu son môi đều có chứa lượng chì. Kim loại này sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua môi, miệng và tích tụ ở xương. Nó gây cản trở sự chuyển hóa canxi và ảnh hưởng đến các cơ quan thần kinh.
Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên sử dụng son môi vì chất này có thể gây rối loạn phát triển và tác động đến trí tuệ của thai nhi.
Dị ứng
Chất kết dính trong son môi được tạo ra từ thành phần hóa học là methacrylate. Loại hóa chất này sẽ gây dị ứng cho người sử dụng, khiến da bong tróc, nổi mẩn ngứa và sưng phồng ở môi.
Tim mạch
Triclosan đóng vai trò là chất bảo quản trong son môi và nhiều loại mỹ phẩm khác. Nó sẽ gây cản trở hoạt động của ion canxi dẫn truyền tín hiệu từ não đến các mô cơ. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động tim và tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cũng như làm giảm sức mạnh cơ bắp.
Gây vô sinh
Theo một số nghiên cứu, triclosan và parabens trong son môi làm rối loạn chức năng tuyến giáp và giảm khả năng sinh sản. Chúng khiến nồng độ androgen ở phụ nữ tăng cao, gây mụn trứng cá, tăng cân, mất kinh nguyệt, thậm chí là dẫn đến vô sinh.
Nguy cơ ung thư vú
Chất parabens sẽ tác động tới nội tiết tố nữ estrogen và gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, son môi còn chứa nhiều kim loại nặng khác như cadmium và crom, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Viêm khớp
Ngoài những tác hại trên, son môi cũng liên quan đến bệnh viêm khớp mãn tính và ban đỏ. Những thành phần hóa học độc hại sẽ tấn công các mô khỏe mạnh, làm viêm niêm mạc miệng và tổn thương da, khớp...