Bố mẹ tôi có tận 4 người con trai trong khi gia đình lại nghèo. Tôi là con lớn trong nhà. Thương bố mẹ vất vả nuôi các em, ngay sau khi học hết cấp 3 tôi tự nguyện lên thành phố làm việc. Được bao tiền mỗi tháng, tôi chỉ dám chi tiêu tiền nhà trọ và tiền ăn còn tích cóp gửi hết về quê cho bố mẹ nuôi các em ăn học.
3 đứa em đứa nào cũng được tôi nuôi đến hết đại học. Có nhiều lúc chúng thấy anh trai vất vả quá, cũng muốn nghỉ học để phụ nhưng tôi nhất quyết không cho. Tôi không có cơ hội học lên cao nhưng không để các em mình như vậy được. Vì thế tôi bắt chúng phải học thật tốt để ra trường có công ăn việc làm ổn định. Như vậy cũng báo hiếu bố mẹ và anh trai rồi.
Sau khi chúng ra trường, tôi một tay làm đám cưới, chạy vạy công việc cho các em rồi cho chúng khoản tiền lập nghiệp. Lần lượt lo cho chúng, tôi chẳng có thời gian mà để ý đến chuyện yêu đương nên 40 tuổi vẫn độc thân. Khi các em ổn định cuộc sống, tôi đã trở thành trai quá lứa lỡ thì. Bạn bè đồng nghiệp và con gái trong làng đều đã lập gia đình hết. Tôi cũng ngại yêu đương và ít mồm miệng nên thành ra chẳng chiếm được thiện cảm của cô nào dù đã có nhà cửa, công việc ổn định.
Mới đây, bác tôi ra sức làm mai mối cho một cô gái ở làng bên. Khi hỏi đến tuổi của cô ấy mà tôi giật mình vì em mới chỉ đôi mươi, kém tôi đúng 20 tuổi. Tôi đã bảo bác đừng mai mối làm gì cho mất công thì bác tự tin bảo 2 đứa cứ gặp nhau xem thế nào rồi tính sau.
Hôm theo bác qua làng bên để gặp mặt cô ấy, nhìn cô ấy trẻ trung phơi phới rồi vui vẻ nên tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ vừa mắt em được. Nào ngờ em tiếp chuyện tôi nhiệt tình lắm, còn bảo thích đàn ông lớn tuổi vì đã có sự nghiệp và nhà cửa ổn định.
Sau vài lần hai đứa đi chơi riêng rất vui vẻ, được thể, tôi ngỏ lời yêu rồi cưới luôn. Em gật đầu không chút do dự khiến tôi hí hửng mở cờ trong bụng. Đám cưới của 2 đứa tôi nhanh chóng tiến hành chỉ sau đúng hơn tháng đi lại tìm hiểu nhau.
Ngày cưới, nhìn vợ trẻ đẹp đi bên cạnh mình tôi hãnh diện và tự hào lắm. Ai cũng bảo tôi “trâu chậm uống nước trong”. Cá nhân tôi thấy mình may mắn đúng như vậy. Mọi người ai cũng mừng cho trai ế là tôi.
Ấy vậy mà đêm tân hôn khi 2 đứa còn chưa kịp có những phút giây mật ngọt thì em đã lên cơn co giật đến sùi bọt mép khiến tôi phát hoảng. Cả nhà tôi tái mặt vội đưa cô dâu mới đến viện thì bác sĩ kết luận vợ tôi lên cơn động kinh. Lúc này, ai nấy mới bàng hoàng hiểu ra lý do tại sao cô ấy lại không chê tôi già và dễ dàng chấp nhận lấy nhanh chóng như thế.
Bác tôi nói chính bác cũng không hề biết cô ấy bị bệnh này. Hỏi người nhà thì mẹ vợ thú nhận cô ấy mắc chứng động kinh từ mấy năm trước sau 1 vụ tai nạn bị chấn thương sọ não. Nhưng thỉnh thoảng lắm mới lên cơn thôi. Do sợ tôi biết chứng bệnh này sẽ không đến tìm hiểu nữa nên cô ấy cùng cả nhà bảo nhau giấu giếm, không nói cho bên nhà tôi biết điều ấy.
Từ hôm đó, cả nhà tôi cứ xì xào bảo cô dâu lừa tôi. Mẹ tôi lo lắng cứ nói con dâu bị động kinh như vậy thì sao có thể mang thai để sinh con đây. Tôi thì cũng không lo lắng quá nhiều cho chứng động kinh của vợ vì cô ấy bị nhẹ, có thể điều trị. Nhưng điều tôi lo không phụ nữ bị động kinh có nên mang thai không ạ?
Phụ nữ bị động kinh có nên mang thai?
Trước hết, cần khẳng định rằng, phần lớn phụ nữ bị động kinh có thể mang thai và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh như những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, điều khác biệt là sự quản lý thai kỳ cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng và cẩn thận dưới sự tư vấn và giám sát của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh lý động kinh và thai kỳ có nhiều tác động qua lại và sức khỏe của thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi việc điều trị bệnh động kinh của mẹ.
Trong thai kỳ, chỉ định sử dụng thuốc liên quan đến liều lượng và thời gian cần được điều chỉnh. Thuốc điều trị bệnh động kinh cần được lựa chọn kỹ lưỡng để hạn chế các tác dụng không mong muốn lên thai kỳ. Đây là một yếu tố làm dễ dẫn đến việc kiểm soát lỏng lẻo bệnh lý động kinh ở phụ nữ mang thai so với các nhóm đối tượng bệnh nhân khác. Thai nhi có mẹ bị động kinh cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn như sẩy thai, sinh non, thai ngừng tiến triển trong tử cung. Các cơn động kinh của người mẹ có thể gây ra những sang chấn lên vùng bụng và gây nguy hiểm cho thai nhi.
Những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ bị động kinh có tỷ lệ gặp phải tình trạng chậm phát triển trí tuệ và tinh thần, cũng như khả năng mắc bệnh động kinh cao hơn so với những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Việc kiểm soát bệnh tật tốt và thực hiện các biện pháp phòng tránh giúp làm giảm những nguy cơ này ở thế hệ sau.