Sinh ra đứa con đầu lòng là niềm vui vô bờ của các cặp vợ chồng cũng như của ông bà và cả gia đình. Nhưng việc chăm sóc một đứa trẻ cũng là nguyên nhân gây nên sự căng thẳng, thậm chí là mâu thuẫn của nhiều gia đình. Với phụ nữ, áp lực sẽ lớn hơn cả. Đã có nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh và không phải ai cũng biết cách để vượt qua.
Cùng lắng nghe chị Trang Trần (1988, hiện đang sinh sống ở Thái Nguyên) trải lòng về quãng thời gian tăm tối bị trầm cảm sau sinh và hành trình tìm lại chính mình:
Hạnh phúc làm mẹ đồng hành cùng chuỗi ngày tăm tối
Như bao người phụ nữ khác, mình cũng khao khát một cuộc hôn nhân hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng niềm vui khi biết tin sắp được làm mẹ chưa kịp thành hiện thực thì cú sốc đầu tiên đã ập đến khi đứa con đầu lòng không thể giữ được, mặc dù đã đến tháng thứ 7.
Vượt qua nỗi đau mất mát, một thời gian sau, mình tiếp tục mang bầu. 9 tháng mang thai lần hai là 9 tháng mình sống trong lo lắng và những ngày lang thang khắp bệnh viện phụ sản. Ngày bé Đậu chào đời vào năm 2014, những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi. Niềm hạnh phúc lâng lâng của người lần đầu được làm mẹ...
Những tưởng từ đây hạnh phúc sẽ được nhân đôi, nhân ba, song mọi thứ không như mình nghĩ. Cuộc sống từ khi có con cũng là lúc mình bước vào những ngày tăm tối vì chứng trầm cảm sau sinh.
Sinh con, đồng nghĩa với việc phải nghỉ công việc ở cửa hàng, cơn khủng hoảng mang tên tiền bạc bắt đầu ghé đến. 1 tháng 20 ngày sau sinh, mình phải đi làm, Đậu ở nhà với bố, cứ 2 giờ mình lại hớt hải về cho con ti. Mọi việc kéo dài được đến khi Đậu 3 tháng tuổi thì bố Đậu không ở nhà trông con nữa. Hai mẹ con bế nhau ra tiệm, bà ngoại trông giúp, mẹ vừa tranh thủ làm, vừa được ở gần con. Công việc dần ổn định, nhưng con non nớt. Ngày nắng ngày mưa, thương lắm mà không còn cách nào.
Rồi những bất đồng trong cách nuôi dạy con với mọi người trong gia đình chồng. Ngay trước khi sinh con, mình luôn muốn con tự lập từ sớm, không bế ẵm, không ngủ chung. Căng thẳng cứ chất ngày một đầy lên. Mình ít sữa hẳn, con nhất định không chịu uống sữa ngoài, trong khi bà nội bảo cho Đậu ăn bột ninh với nước xương. Rồi con bị rụng tóc vành khăn. Mâu thuẫn giữa mình và gia đình chồng ngày một nhiều lên...
Đậu có trận ốm đầu tiên, con bị viêm tiểu phế quản. Nghe tin con sẽ phải tiêm, mình muốn đưa con về Hà Nội điều trị. Lúc khăn gói lên đường, chồng bảo không đi cùng, mẹ chồng bảo "Mày đưa đi tự chịu trách nhiệm", mình lẳng lặng ở lại cho con điều trị tại Thái Nguyên. Mỗi lần con gào khóc là mẹ nước mắt lưng tròng, nhưng điều đáng nói là sau này con liên tục bị lại và phải dùng kháng sinh liều cao. Tốn kém, vất vả, con còi không lớn được.
Đúng lúc khó khăn chồng chất khó khăn, chồng mình bắt đầu tỏ thái độ, chuyển sang phòng khác ngủ riêng. Bao vất vả đổ hết lên đôi vai mình. Sáng sáng, tối tối chỉ hai mẹ con bồng bế nhau trong gia đình chồng, không người sẻ chia, giúp đỡ. Ốm kệ, con khóc kệ, mất sữa kệ, có những lúc đến bột không nấu được thì cũng chẳng ai đoái hoài. Mâu thuẫn ngày càng nhiều, lại chẳng ai chia sẻ, lúc này mình bắt đầu có dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh.
Chỉ một thời gian ngắn, mình gầy đi cả gần chục cân. Mình thường xuyên đau đầu, sợ gần con, thường đóng cửa đuổi khách đến spa, nói những câu nói khó nghe khủng khiếp, đêm đi vệ sinh thì thường nhìn thấy người lạ trong cửa kính, nhưng đó chính là bóng của mình. Thời gian ấy, mình luôn có cảm giác sợ hãi mỗi khi về nhà chồng. Và chính mẹ mình là người phát hiện ra những hành động kỳ lạ từ con gái.
Mẹ giục mình đi khám, mình gắt gỏng mắng mẹ: "Con làm sao mà mắc bệnh đó được".
Những triệu chứng lạ vẫn thường xuyên xuất hiện. Mình nói trước quên sau, hay căng thẳng, bực bội đến ứa cả nước mắt, đầu óc quay cuồng. Thấy mình càng lúc càng rõ biểu hiện của bệnh, mẹ đã thuyết phục đủ cách để mình đi khám. Kểt thúc buổi khám, bác sĩ khuyên mình nên về bên ngoại, tách biệt với những người làm mình ức chế thần kinh, đặc biệt là tránh trường hợp vi phạm pháp luật. Lúc ấy, mình luôn có tâm lý muốn giết hoặc đánh những người gây ức chế cho mình và liên tục nghĩ đến việc tự sát, lại còn cảm thấy vui vì điều đó.
Đỉnh điểm của thời gian trầm cảm là lúc Đậu 10 tháng tuổi. Mình không muốn gần con, không thích bế ẵm, chăm sóc con. Hàng ngày đi làm bà ngoại trông con. Đến tối về nhà là sợ nhất. Nào là tắm, cho con ăn, cho con ngủ, con ốm sốt. Rồi những lần con ốm phải nghỉ cả tháng trời.
Thấy mình bệnh nặng, sốc đến phải nhập viện, bố mẹ mình sang nhà chồng xin đón con về để tiện chăm sóc. Trong vòng 9 tháng ròng rã, mình dùng đủ các loại thuốc. Hàng ngày, bác sĩ tâm lý nói chuyện cùng mình để chia sẻ cảm xúc. Lúc này, mẹ mình là người chăm sóc Đậu hoàn toàn. Mình thường xuyên lảm nhảm, chửi thề.
Hành trình tìm lại chính bản thân mình
“Hành trình trở lại chính mình” chẳng mấy dễ dàng. Suốt một thời gian dài, không chỉ là người chăm sóc Đậu mà bố mẹ mình còn luôn ở bên cạnh, nói chuyện, động viên, hướng mình đến những suy nghĩ và việc làm tích cực.
Mình ở với bố mẹ được 2 tháng thì phải quay lại nhà chồng. Mọi việc trở lên nặng nề khi chồng mình không có công việc, không quyết đoán được gì trong gia đình, rồi những chia sẻ của mình với các dì của chồng, được cho là nói xấu chồng, mẹ chồng, và mẹ chồng bắt đầu nói với mình những câu xúc phạm.
26 Tết năm 2015, mình đã bế con đi. Không tiền, không điện thoại, trên người chỉ có duy nhất đôi dép đi trong nhà. Đi cách nhà 500m, tìm một người quen gửi con, rồi ngất. Lúc này mình quyết định về nhà ngoại ở hẳn.
Bệnh của mình lúc này nặng hơn, ngơ ngẩn. Đồ để đâu không nhớ, thu tiền quầy quán chẳng nhớ, tên khách không nhớ... Lúc nào cũng trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi. Bố mẹ mình lúc này vẫn không nản, quyết tâm đưa mình trở lại cuộc sống bình thường.
Hàng ngày, mình vẫn uống thuốc đều đặn, đông tây y kết hợp, và điều quan trọng là mình được yêu thương, được bao bọc. Thay vì khép kín như trước kia, mình chia sẻ hết những suy nghĩ, xúc cảm sâu trong lòng. Mình bắt đầu sống lạc quan, tích cực hơn, ăn uống điều độ, đi du lịch cùng gia đình, tập thể dục đều đặn và vui vẻ với quyết định làm mẹ đơn thân.
Dần dần bệnh của mình đã được cải thiện. Lúc này, con gái cũng bắt đầu lớn. Cô gái nhỏ ríu rít bên mẹ như hình với bóng. Mình cố gắng từng ngày cân bằng lại bản thân, tự kiềm chế cảm xúc, làm những điều mình thích.
Hiện tại, có thể nói mình đang dần trở lại chính mình. Sức khoẻ cũng khá hơn nhiều, tăng 2kg, công việc đã dần ổn định trở lại. Và mình đã kết thúc những chuỗi ngày "mất trí", bắt đầu cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn...