Anh Tuấn Anh (tên nhân vật đã được thay đổi) có một gia đình hạnh phúc mà bao người khen ngợi khi có 2 người con, một trai một gái đều ngoan ngoãn và xinh xắn. Tuy nhiên, cũng chính vì hai con đẹp trai, xinh gái mà mọi người đồn đoán rằng chúng không phải con của anh. Vợ chồng anh trước giờ sống với nhau rất tốt và tình cảm nên không bao giờ anh có ý nghĩ vợ có thể phản bội mình.
Tuy nhiên, khi hai đứa trẻ lớn lên không có điểm giống bố, tính cách cũng khác, anh Tuấn Anh có chút canh cánh trong lòng nên tìm tới xét nghiệm ADN để làm rõ ngọn ngành.
Nhận kết quả trên tay, anh Tuấn Anh như chết lặng, ôm mặt khóc và liên tục lắc đầu không thể tin vào sự thật phũ phàng khi cả 2 đứa trẻ đều không phải con đẻ của anh.
Đáng nói hơn, kết quả phân tích ADN còn cho thấy người đàn ông này có bất thường về số lượng nhiễm sắc thể, mắc bệnh Kleinfelter nên bị thiểu năng sinh dục và vô sinh.
Chia sẻ về trường hợp trên, Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), hiện là cố vấn khoa học tại GENTIS cho biết, trong nhiều năm tiếp nhận và làm xét nghiệm ADN, ông đã gặp không ít trường hợp dở khóc, dở cười khi biết kết quả.
Theo ông Khanh, có người mừng vui khôn xiết khi xác định chắc chắn quan hệ huyết thông cha con, nhưng có người thông qua kết quả mới biết mình bị bất thường nhiễm sắc thể, bị vô sinh trong khi vợ vẫn đều đều sinh nở.
Trường hợp của anh Tuấn Anh là một trong những ví dụ điển hình. Đại tá Khanh động viên anh suy nghĩ thật kỹ để tìm cách giải quyết thấu đáo.
Cũng theo ông Khanh, không thể nhìn nhìn vào diện mạo bên ngoài để xác định quan hệ huyết thống. Do vậy, khi có nghi ngờ về vấn đề huyết thống thì nên đi xét nghiệm ADN, tránh xảy ra việc nghi ngờ lẫn nhau.
Bác sĩ cho biết, người mắc hội chứng Klinefelter thường không bị ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh hoạt và trưởng thành nên hầu như đều phát hiện muộn, chỉ đến khi kết hôn, chậm có con thì mới đi thăm khám và biết được bệnh lý.
Hội chứng Klinefelter khiến tế bào mầm không tồn tại trong tinh hoàn, dẫn đến giảm sản xuất tinh trùng và hàm lượng androgen trong máu. Nam giới mắc hội chứng Kleinfelter có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X.
Bình thường nam giới có bộ nhiễm sắc thể là 46XY, nhưng do mắc hội chứng này mà bộ nhiễm sắc thể của họ là 47XXY. Điều này sẽ gây suy sinh dục, rối loạn nội tiết, teo tinh hoàn, không có khả năng sinh tinh. Với trường hợp này nếu muốn có con thì phải được thăm khám chuyên sâu, có sự can thiệp của y học và các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Với nam giới mắc hội chứng Klinefelter, cách duy nhất để có con là làm phẫu thuật Micro TESE tìm tinh trùng và sử dụng tinh trùng đó để thụ tinh ống nghiệm (IVF) với trứng của người vợ.