Ai nên thay van tim sinh học?
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Phan - Trưởng khoa Phẫu thuật, kiêm Phó giám đốc Viện Tim TP.HCM - cho biết, với những bệnh nhân có chỉ định thay van tim, bác sĩ sẽ thay thế bằng van nhân tạo. Hiện nay, van nhân tạo gồm hai loại: van cơ học (làm bằng chất liệu kim loại), van sinh học (làm bằng màng ngoài tim bò, van động mạch chủ của heo).
Van cơ học do được làm bằng kim loại nên có độ bền lâu, trung bình từ 12-15 năm. Nhiều bệnh nhân sau khi thay van cơ học vẫn sống khỏe đến gần 30 năm. Tuy nhiên, khuyết điểm của loại van này là người bệnh phải dùng thuốc kháng đông suốt đời. Mỗi tháng, bệnh nhân phải đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm máu để điều chỉnh thuốc kháng đông cho máu loãng hơn.
Nếu không uống thuốc kháng đông hoặc theo dõi van tim định kỳ, có thể xảy ra hiện tượng cô đặc máu và hình thành các cục máu đông đóng vào các van cơ học, gây hư van. Lúc đó, người bệnh phải mổ thay van tim nhân tạo mới. Nếu mổ không kịp, người bệnh sẽ nghẽn mạch máu, suy tim cấp và tử vong.
Trong khi đó, van sinh học làm từ màng ngoài tim bò hoặc van động mạch chủ của heo lại rất hợp với cơ thể người. Tất cả loại van này phải trải qua quá trình nghiên cứu, thí nghiệm, xử lý y khoa nghiêm ngặt để giữ van không bị hư, không bị đào thải khi ghép vào cơ thể người. Nhờ đặc tính làm từ cơ thể động vật, tương thích về mặt sinh học ở người nên bệnh nhân không phải dùng thuốc kháng đông.
Đặc biệt, những phụ nữ muốn có thai sau khi ghép van tim nhân tạo thì phải ghép van sinh học. Bởi nếu ghép van cơ học, cả mẹ lẫn thai nhi đều nguy hiểm do rơi vào tình trạng sẩy thai, băng huyết khi sinh do dùng thuốc kháng đông.
Tuy nhiên, khuyết điểm của van sinh học là tuổi thọ van chỉ 5-7 năm. Gần đây có một số loại van sinh học có tuổi thọ đến 10-15 năm nhưng chi phí đắt hơn loại cũ từ 2-3 lần.
Mỗi năm, Viện Tim TP.HCM phẫu thuật thay van tim sinh học cho khoảng 30-40 bệnh nhân, chủ yếu là phụ nữ muốn có con. Trước khi thay van nhân tạo, bệnh nhân đều được bác sĩ tư vấn để chọn loại van tim phù hợp với lứa tuổi, chi phí.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Phan khuyến cáo: Viện Tim từng cấp cứu nhiều bệnh nhân nữ đã thay van cơ học lại liều lĩnh mang thai. Mới đây, Viện Tim tiếp nhận bệnh nhân Đ.H.M. (30 tuổi, ngụ TP.HCM) mang thai bảy tháng, sau hai năm thay van cơ học. Bệnh nhân kể chị mang thai ngoài ý muốn nhưng quyết tâm giữ lại. Gần đây, thấy cơ thể mệt mỏi nên chị đến Viện Tim để kiểm tra.
Các bác sĩ cho biết, van tim của chị bị máu vón cục và đã hư, phải mổ gấp để thay van mới. Ngay sau ca mổ bắt con, chị M. rơi vào tình trạng kiệt sức, đồng thời bệnh lý van tim nặng hơn khiến chị phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Đây là trường hợp may mắn bởi từng có nhiều ca tử vong cả mẹ lẫn con.
Các bác sĩ Viện Tim TP.HCM nhận định: “Một số bệnh nhân không nghe theo sự tư vấn của bác sĩ khi thay van tim. Có thể do chưa lường hết được các mối nguy hiểm, do có thai ngoài ý muốn, do gia đình chồng muốn có con trai… nên chị em vẫn mạo hiểm mang thai.
Nhiều trường hợp, chị em mang thai lại không uống thuốc kháng đông hoặc uống không đủ liều do sợ ảnh hưởng đến thai nhi dẫn đến hư van cơ học, buộc phải mổ lại thay van mới. Lúc này, buộc phải bỏ thai. Cũng có trường hợp phụ nữ uống thuốc kháng đông không như lời dặn của bác sĩ hoặc uống quá liều gây xuất huyết, nguy hiểm cho mẹ lẫn con.
Theo bác sĩ Phan, với những phụ nữ trẻ bị bệnh van tim, nếu có chỉ định mổ tim thì nên mổ sớm. Mổ sớm có thể sửa được van bị hỏng, giúp phụ nữ có con như người bình thường.
Nếu mổ trễ hoặc do van tim quá xấu không sửa được phải thay van tim. Nếu chị em vẫn muốn có con, phải chọn thay van tim sinh học. Tuổi đời của van sinh học có thể lên đến mười năm. Trong thời gian này, chị em có thể sinh đủ hai con.
Hiện nay, các bệnh viện tại Việt Nam chỉ sử dụng van nhân tạo do các nước có nền y học phát triển (Mỹ, Ý, Pháp…) sản xuất. Tại thị trường Việt Nam, các van tốt nhất của thế giới được bán với giá từ 1.200-1.500 USD (van cơ học), van sinh học rẻ nhất khoảng 3.000-8.000 USD. Ở các nước khác, giá van nhân tạo cao gấp 4-5 lần so với Việt Nam.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Phan - Trưởng khoa Phẫu thuật, kiêm Phó giám đốc Viện Tim TP.HCM - cho biết: Bệnh van tim chiếm khoảng 40% trong tổng số các bệnh lý về tim mạch tại Việt Nam, trong đó bệnh van tim hậu thấp (dân gian hay gọi là bệnh thấp tim - dạng bệnh tự miễn và là một trong những nguyên nhân gây bệnh van tim) chiếm nhiều nhất trong nhóm thay van tim nhân tạo.
Với những trường hợp hở van nhẹ, không phải mổ. Thế nhưng, với những ca hở van nặng, phải sửa hay thay van nhân tạo. Nếu phát hiện sớm, ngay từ khi còn nhỏ và được điều trị sớm, người bệnh sẽ tránh được tình trạng phải thay van nhân tạo.