Chuyện kinh tế và tình cảm tưởng chừng rạch ròi, chẳng liên quan gì nhưng đôi khi lại mang mối quan hệ mật thiết. Nếu hai vợ chồng không có những tư tưởng chung trong vấn đề tài chính, rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, từ đó tình cảm sứt mẻ là điều tất yếu. Thực ra tìm giải pháp hàn gắn, đi đến thỏa thuận chung chẳng phải điều dễ dàng. Bởi một khi tính cách và sự bảo thủ đã ăn sâu vào tiềm thức, rất khó để bạn thay đổi bất cứ ai. Câu chuyện của gia đình N. dưới đây là một ví dụ như vậy.
Gần đến Tết nhận tin dữ, vợ bất đắc dĩ vay chồng 100 triệu nhưng chỉ nhận lại tiếng thở dài
Những ngày cận Tết Nguyên đán, lòng N. lại bồi hồi vì gia đình cô từng tan vỡ vào chính khoảng thời gian này của một năm trước. Cuộc hôn nhân chóng vánh chỉ trong khoảng hơn 1 năm rưỡi, đến bản thân N. chưa từng nghĩ mình lại ly hôn với người đàn ông này. Trước đây, hai vợ chồng đều rất chăm chỉ làm lụng, có bao nhiêu tiền thì sẽ gom góp vào của chung, với hi vọng sau này sinh con đẻ cái suôn sẻ, thậm chí xây một căn nhà mới khang trang rộng rãi.
"Mặc dù vợ chồng đều đi làm việc nhưng có đôi lúc mình thấy ông xã hơi thiếu tôn trọng mình. Chẳng hạn có vài lần chồng đi tan ca về nhà mệt mỏi, thấy mình về sớm cơm nước, anh lại bảo nhà này chỉ có mỗi anh là vất vả, còn vợ nhàn hạ. Mình cũng chẳng dám cãi lại, đành ngậm ngùi bỏ qua vì sợ chồng tự ái" - N. tâm sự.
Tưởng rằng hai vợ chồng cứ cố gắng như vậy và sẽ sớm ngày được ổn định cuộc sống, nhưng biến cố ập đến không ngờ. Mẹ đẻ của N. mắc bệnh, phải nhập viện điều trị gấp. Nhà của N. thì cũng chẳng khá giả gì, em trai của cô thì đang đi học không có thu nhập, bố đã mất từ lâu. Giờ đây, chỉ có N. mới đủ khả năng để cáng đáng viện phí cho mẹ.
Bởi lẽ hai vợ chồng cùng dồn tiền cho một khoản chung, nên N. không biết phải làm sao vì tình huống khá khó xử. Tuy nhiên người phụ nữ cho rằng, chắc chắn anh ấy sẽ đồng ý, dẫu sao mẹ vợ mắc bệnh thì con rể cũng nên có một phần trách nhiệm.
Vậy mà khi "vay" chồng 100 triệu trong số quỹ dành dụm của hai người, N. chỉ nhận về tiếng thở dài cùng những lời trách móc. Thậm chí, chồng của N. còn liên tục gây sức ép cho vợ, trách móc rằng nếu N. muốn thì cứ lấy hết tiền đi, rồi đi ra khỏi nhà luôn. Trước sự vô tâm, lạnh lùng đáng sợ của chồng, N. chỉ biết cúi đầu. Cô đau khổ, từ dằn vặt suốt bao ngày trời.
Cái kết thích đáng cùng số phận của người phụ nữ biết vùng lên đúng lúc
N. hiểu rằng bây giờ cô chỉ có thể chọn một. Nếu cầm tiền đóng viện phí chữa trị cho mẹ, cô sẽ mất chồng và ngược lại. Phải tới khi đứng giữa những bấp bênh, N. mới nhận ra trước giờ mình vẫn sống trong địa ngục, ngột ngạt tới khó thở. Đến tiền chữa bệnh cho mẹ, mà cô còn phải nhẹ nhàng nói với chồng. Có cảm giác như chồng cô coi mẹ vợ là người dưng xa lạ.
Câu hỏi và sự lựa chọn trên luôn quẩn quanh trong đầu N. bao đêm. Và cuối cùng người phụ nữ đã đưa ra quyết định. Cô ly dị chồng, lấy một phần tài sản, để anh kia phần nhiều hơn và tập trung toàn lực chữa bệnh cho mẹ. N. biết nếu không cứu mẹ, thì sau này nhỡ xảy ra chuyện gì, cô sẽ ân hận cả đời.
Tất nhiên chồng N. đồng ý, sự ích kỷ đã che mờ mắt anh ta. 1 năm qua, N. cố gắng nỗ lực gấp nhiều lần, cũng may cô và chồng cũ chưa có con nên thủ lục ly dị nhanh chóng. Vừa làm việc, vừa bán hàng online, vừa vào viện chăm mẹ thường xuyên... cuối cùng mẹ của N. đã khỏi bệnh dù gánh trên vai N. là khoản nợ khoảng 100 triệu nữa. Nhưng cô tự tin mình sẽ sớm kiếm được nhiều tiền để trả hết. Tương lai hẵng còn dài rộng, dù thi thoảng người phụ nữ cũng hơi tiếc một chút về cuộc hôn nhân đã qua, nhưng cô tự dặn lòng, sau này sẽ gặp được nhiều người đàn ông xứng đáng hơn.
Trong những khoảnh khắc bị dồn vào đường cùng, hãy tỉnh táo để nhìn nhận lại vấn đề. Đừng bao giờ vì kẻ không đáng mà đánh mất chính mình, làm tổn thương đến những người thân yêu bên cạnh.