Bất lực nhìn trại mực bị san phẳng
Dự án Lấn biển tạo Khu dân cư – thương mại – dịch vụ mới La Gi (tên thương mại là Queen Pearl Marina Complex) trước đây thuộc huyện Hàm Tân, nay toạ lạc tại phường Phước Lộc, Thị xã La Gi được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt theo Quyết định số 1912QĐ/CT-UBBT ngày 6/8/2005. Dự án này được giao cho Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Vi Nam (Công ty Vi Nam) làm chủ đầu tư.
Bị ngưng trệ trong nhiều năm, thời gian gần đây chủ đầu tư đang tiến hành san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng rầm rộ. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án đã phản đối gay gắt vì chưa được bồi thường, hỗ trợ di dời.
Trong căn nhà lụp xụp giáp ranh dự án, ông Trần Công Ninh (47 tuổi, ngụ KP 3, phường Phước Lộc) cho hay, trước đây khu này là bãi bồi, từ năm 1985 gia đình ông và nhiều hộ khác đã cải tạo đất, dựng trại để sơ chế và làm mặt bằng phơi mực. Riêng gia đình ông có 3 trại mực với tổng diện tích khoảng 300m2.
Theo ông Ninh, khoảng 10 năm trước, các hộ dân có trại mực được thông báo khu đất này sẽ bị giải toả để xây dự án. Địa phương có mời các hộ dân bị ảnh hưởng lên làm việc, vận động di dời đi nơi khác làm ăn nhưng lại không nói gì đến đền bù, hỗ trợ di dời.
Nói như khóc, bà Phạm Thị Tin (52 tuổi, ngụ KP 4, phường Phước Lộc) cho biết, gia đình bà có 2 trại mực nằm trên đất dự án, với diện tích 400m2. Khi Công ty Vi Nam bắt đầu xây dựng dự án thì 2 trại mực của bà đã bị san phẳng, không còn dấu vết.
“Nếu Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng thì người dân sẵn sàng di dời, đằng này lại giao đất cho doanh nghiệp phân lô bán nền mà chúng tôi lại không được hỗ trợ một đồng nào, như vậy thì bất công quá”, bà Tin bức xúc nói.
Chung cảnh ngộ, gia đình bà Trương Thị Ni (57 tuổi) cũng có 2 trại mực với tổng diện tích 150m2, là kế sinh nhai của cả gia đình từ năm 1985 đến nay. Nhưng khi dự án Queen Pearl Marina Complex bắt đầu khởi công, 2 trại mực của gia đình bà cũng bị san phẳng.
“Tất cả đã bị ủi phẳng hết rồi. Đáng lý ra chủ đầu tư phải hỗ trợ cho phần công sức chúng tôi tạo lập để khu đất được bằng phẳng như bây giờ. Trước đây khi làm trại mực, các hộ dân đều có đóng thuế kinh doanh đàng hoàng. Giờ đây không còn nơi sản xuất, chúng tôi biết sống ra sao”, bà Ni than thở.
Nhiều hộ dân khác có tài sản trên đất dự án cũng bị tháo dỡ và san phẳng như gia đình bà Hồ Thị Bạc, bà Hoàng Thị Thanh, bà Nguyễn Thị Ty, bà Phi Thị Tiết, bà Phan Thị Xay, ông Huỳnh Văn Của… những hộ dân này khẩn thiết yêu cầu các cấp chính quyền xem xét lại trình tự thực hiện việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Queen Pearl Marina Complex.
Địa phương cũng “đau đầu”
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Lộc, Thị xã La Gi cho biết, dự án Queen Pearl Marina Complex được tỉnh giao cho Công ty Vi Nam từ năm 2005. Doanh nghiệp này bắt tay vào thực hiện nhưng đến năm 2010 thì “đuối vốn”, dự án ngưng trệ trong thời gian dài.
Với những hộ dân có trại sơ chế và phơi mực trên đất dự án, ông Được cho biết UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo cho UBND Thị xã La Gi thực hiện di dời. Trên cơ sở đó, UBND phường Phước Lộc đã mời các hộ dân này lên làm việc. Qua khảo sát của UBND phường Phước Lộc, có 22 hộ dân có tài sản (gồm nhà tạm, trại mực, hầm xây đá) trên đất dự án. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 14 hộ khiếu nại.
“Tỉnh cho rằng đây là “đất sạch” trong khi người dân đã làm đơn khiếu nại từ năm 2017 đến nay. Các hộ dân yêu cầu UBND phường Phước Lộc tạo điều kiện di dời trại mực đi nơi khác để làm ăn. Những khiếu nại liên tục của người dân trong thời gian qua cũng khiến địa phương đau đầu”, ông Được nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Phước Lộc, giai đoạn từ năm 2007 - 2011 trước tình trạng xâm thực của nước biển có 11 hộ dân khác có nhà bị ảnh hưởng đã được địa phương bố trí tái định cư tại khu tái định cư Triều Cường 2, hiện đã ổn định cuộc sống.
Theo Luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel), Khoản 2, Điều 89, Luật Đất đai năm 2013 quy định, đối với nhà ở, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần còn lại không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.
Trong trường hợp tại dự án Queen Pearl Marina Complex, cần xác định rõ mốc thời gian những trại sơ chế và phơi mực của các hộ dân dựng lên trước hay sau khi UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho Công ty Vi Nam? Từ đó, người dân mới có cơ sở yêu cầu chính quyền bồi thường, hỗ trợ cho phần công trình trên đất.
Tuy nhiên, theo hồ sơ PV Infonet thu thập được, tại cuộc họp lấy ý kiến của các hộ dân sống lâu năm tại khu đất dự án Queen Pearl Marina Complex ngày 7/11/2017, ông Trần Đông Phú (ngụ KP 2, phường Phước Lộc) cho biết:
“Thời điểm năm 2003 – 2005 khi Cảng cá thi công thực hiện việc bơm cát kết hợp với việc bồi đắp hình thành nên khu đất bãi bồi, các hộ làm mực tận dụng làm nơi dựng cất chái, trại tạm sơ chế và làm mặt bằng phơi mực…”.
Như vậy, nếu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho Công ty Vi Nam thực hiện dự án Queen Pearl Marina Complex sau thời điểm các hộ dân dựng trại sơ chế và phơi mực thì cần xem xét chính sách bồi thường thiệt hại về tải sản để người dân ổn định cuộc sống.
* Tựa đề bài viết do Phụ Nữ Sức Khoẻ đặt lại.