Phụ Nữ Sức Khỏe

Đông trùng hạ thảo giá bán tiền tỷ, thật giả khôn lường

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông rất ngạc nhiên khi Nhộng trùng thảo lại được gọi là Đông trùng hạ thảo, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

“Cơn sốt” Đông trùng hạ thảo bùng lên từ lâu và chưa lúc nào “hạ nhiệt”, nhưng điều đáng nói là không mấy người đủ kiến thức để phân biệt thật giả, mà hầu hết đều mua theo phong trào để khẳng định đẳng cấp với mức giá hàng trăm triệu đồng/1 lạng.

Đông trùng hạ thảo là dạng cộng sinh giữa loài nấm túi có tên khoa học Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus, thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Ngoài ra còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh.

Đông trùng hạ thảo tự nhiên hiện có giá bán hơn một trăm triệu đồng 100 gam. Ảnh: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cung cấp.

Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Đến mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn.

Chỉ phát hiện được Đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 - 5.000m, đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hy, Cam Túc, Vân Nam... (Trung Quốc).

Phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của Đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, lipid và nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...). Quan trọng hơn là trong sinh khối Đông trùng hạ thảo có nhiều hoạt chất sinh học mà các nhà khoa học đang phát hiện dần nhờ tiến bộ của ngành hoá học các hợp chất tự nhiên.

Nhiều hoạt chất này có giá trị dược liệu thần kỳ, trong đó phải kể đến acid cordiceptic, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine. Đáng chú ý hơn là nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Ethyl-Adenosine- Analogs).

Đông trùng hạ thảo còn chứa nhiều loại vitamin (trong 100 gr Đông trùng hạ thảo có 0,12 gr vitamin B12; 29,19mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C; ngoài ra còn có vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K... Chi nấm Cordyceps có tới 350 loài khác nhau, chỉ riêng ở Trung Quốc đã tìm thấy 60 loài. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất được 2 loài Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link.

Đông trùng hạ thảo mọc ngoài tự nhiên. Ảnh: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cung cấp.

Sách y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi Đông trùng hạ thảo là vị thuốc có tác dụng “bổ phế ích can, bổ tinh điền tủy, chỉ huyết hoá đàm”, “bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ”, “tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân”; là loại thuốc “tư bổ dược thiện”, có thể chữa được “bách hư bách tổn”.

Vì Đông trùng hạ thảo thu nhặt từ thiên nhiên chỉ có hạn, môi trường tự nhiên thích hợp cho sự phát triển của Đông trùng hạ thảo lại toàn là các vùng núi non và cao nguyên hiểm trở xa xôi, nên càng ngày càng khan hiếm và khó mua.

Nhộng trùng thảo cũng là dược liệu nhưng chất lượng không thể sánh với Đông trùng hạ thảo. Ảnh: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cung cấp. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cho biết: “Một loại khác đang bị nhầm lẫn, chính là Nhộng Trùng thảo vì phát triển trên nhộng tằm. 

Loại này ở Trung Quốc gọi là Dõng trùng thảo (Dõng là con nhộng). Sưu tập giống của chúng tôi (Bảo tàng giống chuẩn quốc gia VTCC) hiện đã có tới trên 7.000 chủng vi sinh vật, đang có sẵn chủng Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link, sẵn sàng cung cấp cho mọi đơn vị, nhưng đây là loài rất dễ nuôi (trên cơm và thêm hóa chất) nhưng giá trị dược liệu thấp, ở Trung Quốc bán rất rẻ, người dân mua hàng cân để nấu canh.

Nhiều viện nghiên cứu công nghệ sinh học ở Trung Quốc từ lâu đã phân lập thành công nấm Cordyceps sinensis trong Đông trùng hạ thảo và chứng minh được mọi dược liệu đều nằm trong phần hạ thảo chứ không hề có gì ở đông trùng. 

Vậy là họ đã có trong tay của quý. Trên thị trường Trung Quốc (và đã có bán sang Việt Nam) những viên nang Đông trùng hạ thảo hay dịch nuôi Đông trùng hạ thảo trong các ống thuốc rất đẹp với giá khá rẻ.

Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link) cũng là dược liệu nhưng không thể so sánh với Đông trùng hạ thảo và có thể mua rất rẻ tại Nam Ninh, Quảng Châu...

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi không hiểu cơ quan quản lý nào đã cho phép gọi Nhộng trùng thảo là Đông trùng hạ thảo? Tôi nghĩ chúng ta có đầy đủ cơ quan nghiên cứu vi sinh vật học với đầy đủ trang thiết bị để giải trình tự ADN giúp định tên chính xác các loài vi sinh vật. 

Vì sao các cơ quan quản lý không yêu cầu xác minh tên loài trước khi cho phép chuyển giao công nghệ (rất đắt), rồi sản xuất lưu hành và tuyên truyền rộng rãi với tên thương phẩm là Đông trùng hạ thảo? Sản phẩm nuôi cấy nhân tạo ở Trung Quốc là loại lên men với các nồi lên men lớn từ chủng Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc, hoàn toàn không phải chủng Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link.

Đây là vấn đề thiết yếu liên quan đến người tiêu dùng, nên tôi đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ cùng Bộ Y tế lập nhóm thẩm định với sự tham gia của Hội các ngành Sinh học Việt Nam để tránh sự ngộ nhận của đa số người tiêu dùng”.

Vì đã chứng minh các hoạt chất đều tập trung trong nấm Cordyceps sinensis cho nên nếu thấy con sâu khô nào đã rụng mất râu (chính là nấm Cordyceps sinensis) thì chẳng còn tác dụng gì nữa! Thật tiếc khi có người đã gọi loài nấm Nhộng trùng thảo Cordiceps militaris là Đông trùng hạ thảo!

Nhộng trùng thảo trồng trên giá thể nhộng tằm.Ảnh: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cung cấp.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Chúng tôi luôn bảo quản từ lâu chủng nấm này và cung cấp giống cho bất kỳ ai với giá chỉ khoảng... 5 đô la Mỹ. Môi trường nuôi cấy rất rẻ, chỉ cần trộn gạo với nước theo tỷ lệ 1:1, phân vào các bình tam giác rồi khử trùng, cấy giống, nuôi trong phòng có nhiệt độ 20 - 25oC với độ ẩm không khí khoảng 75 - 80%. Sau khoảng 20 ngày thấy bào tử chuyển màu vàng da cam là có thể thu hoạch.

Cũng đã có đơn vị mua Nhộng trùng thảo khô ở Trung Quốc rồi nghiền thành bột và đóng viên để tiêu thụ ở Việt Nam với tên thương phẩm Đông trùng hạ thảo!

Tôi đề nghị độc giả nào đủ sức khoẻ đi Tây Tạng lấy mẫu Đông trùng hạ thảo, tôi sẵn sàng hướng dẫn cách bảo quản để đưa về nước tiến hành phân lập loài Cordyceps sinensis.

Mỗi lần có thêm được một chủng vi sinh vật mới là một lần chúng tôi thêm hy vọng có thể đóng góp cho đất nước sản phẩm mới. Tôi rất muốn tự làm việc này nhưng sức khỏe không cho phép.

Chỉ cần đến Tây Tạng mua Đông trùng hạ thảo mọc ngoài thiên nhiên, cho ngay vào chai nhựa với loại hóa chất chống vi khuẩn nhưng không chống nấm (chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể sau) và chuyển về Hà Nội.

Viện chúng tôi đủ khả năng phân lập, nuôi cấy trong các nồi lên men để làm ra Đông trùng hạ thảo (chiết xuất từ phòng thí nghiệm, chất lượng bằng khoảng 60% Đông trùng hạ thảo tự nhiên nhưng giá chỉ bằng 1%) như nước ngoài đang sản xuất và bán hợp với khả năng của đông đảo người dân.

Ai làm được việc này, Viện chúng tôi sẽ xem là đồng tác giả và cùng chia sẻ lợi nhuận khi sản xuất thành công”.

 

Đông trùng hạ thảo dễ bị nhầm với Nhộng trùng thảo đang được nhiều nơi trồng hiện nay. Cách phân biệt dựa trên hình dáng. Nhộng trùng thảo thân cây màu vàng cam ngả hồng hồng, đầu nấm dạng chùy, được trồng trên bất cứ chỗ nào của vật/cây ký chủ; còn đông trùng hạ thảo là cây ở dạng nấm mọc trên đỉnh đầu con sâu màu nâu sẫm, đầu nấm như lưỡi mác.

Hiện nay nhộng trùng thảo được nuôi trồng rất dễ dàng và cho ra thể quả cây nấm mọc trên thân con tằm hoặc con nhộng. Việt Nam còn nhân trồng được nhộng trùng thảo trên gạo lức, giá đậu, cho ra khối lượng lớn, nấu canh ăn như rau. Trong khi đó, đông trùng hạ thảo thể quả tự nhiên chỉ sống được trên độ cao 3.000-4.000 m so với mặt nước biển.

Đến nay chưa quốc gia nào nhân trồng ra đông trùng hạ thảo thể quả được (tức làm ra nguyên hình cây nấm trên đầu con sâu).

Theo Tùng Dương/Giáo Dục Việt Nam

Tin liên quan

Tập thể dục như thế nào tốt cho sức khỏe?

Tập thể dục thể thao, dù chỉ 10 phút mỗi tuần, cũng cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi...

Cứu cụ bà 78 tuổi đột ngột ngưng tim, ngưng thở khỏi 'bàn tay tử thần'

Nhờ 2 mô hình báo động Code Blue và Code Stemi, các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài...

Thiết bị ghép vào âm đạo ngừa HIV hiệu quả hơn bao cao su

Các nhà khoa học ở Canada đang thử nghiệm thiết bị cấy vào âm đạo giảm số lượng tế bào...

Ra mắt dòng dược mỹ phẩm 'Made in Việt Nam' chuyên dành cho da mụn

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm các bác sĩ và chuyên gia trong nước đã cho ra đời sản phẩm...

Ăn nhiều chất xơ giảm 15 - 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Lancet (Mỹ) cho thấy, mọi người nên tiêu thụ ít...

6 lưu ý khi chạy bộ trong thời tiết nóng

Nên chạy vào sáng sớm, mặc trang phục màu sáng, bổ sung đủ nước, giảm tốc độ và đi bộ...

Làm sao bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím khi làm việc ngoài trời?

Tôi làm xây dựng nên liên tục ở ngoài trời tiếp xúc với tia UV. Xin hỏi cách bảo vệ...

Tin mới nhất

8 bí quyết để duy trì thói quen chăm sóc da để chị em luôn xinh đẹp cả ngày ngay...

2 giờ trước

Top 5 mẹo đơn giản để chăm sóc mái tóc mỏng!

2 giờ trước

4 sai lầm mỗi khi gội đầu để tránh rụng tóc thường xuyên

2 giờ trước

Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?

17 giờ trước

Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?

17 giờ trước

Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...

17 giờ trước

7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!

21 giờ trước

Tránh uống rượu khi bạn đang uống các loại thuốc này

21 giờ trước

Vì sao nam giới nên ăn chuối?

21 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình