Hãy trao cho anh
Tối ngày 1/7, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã cho ra mắt MV mới "Hãy trao cho anh" sau gần 1 năm vắng bóng trên thị trường Vpop. Ngay lập tức, sức hút mạnh mẽ từ cái tên Sơn Tùng M-TP đã được thể hiện khi MV "Hãy trao cho anh" chiếm sóng toàn bộ các trang mạng xã hội, MV đạt được vô số các thành tích kỷ lục vô tiền khoáng hậu chưa từng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, vô số chủ đề bàn tán chỉ xoay quanh cái tên Sơn Tùng.
Thế nhưng điểm trừ lớn nhất và cũng là cảm nhận đầu tiên rõ ràng nhất về MV "Hãy trao cho anh" là vấn đề muôn thuở khi nghe nhạc của Sơn Tùng: Không nghe rõ lời. Chính người Việt cũng không thể nghe ra nam ca sĩ hát cái gì chỉ sau 1 lần xem MV. Chỉ khi khán giả mở phụ đề tiếng Việt lên thì mới có thể hiểu lời ca Tùng đang hát. Hát lên thì bay bổng, nhưng đúng là Sơn Tùng bay quá nên khán giả cũng ngây ngất dập dìu ngọt ngào miên man đến bối rối vì lời bài hát của anh chàng. Nguyên văn tên bài hát đã là một lời mời gọi, gợi ý của Sơn Tùng gửi đến người con gái rằng hãy trao cho mình một điều gì đó bí ẩn. Tuy nhiên, điều đó là gì thì Tùng không nói rõ, ai muốn hiểu đó là gì thì hiểu vì gần như chẳng ai nghe và hiểu được gì cho đến khi có lời bài hát.
Chạy ngay đi
Chỉ một ngày sau khi xuất bản trên YouTube, MV "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng M-TP đã phá rất nhiều kỷ lục của làng nhạc Việt, trở thành ca khúc lập kỷ lục mốc 20 triệu view trong 24 giờ, lọt top 10 video trending trên YouTube thế giới. Thành công không thua kém gì "Hãy trao cho anh".
Có thể nói, MV "Chạy ngay đi" là tâm điểm của làng nhạc Việt Nam vì độ hot của nó. Bởi thế mà rất nhiều bạn trẻ quan tâm, muốn cover "Chạy ngay đi" nhưng quá khó để thực hiện bởi bản gốc bài hát mang giai điệu điện tử quá nhanh và không rõ lời. Rất nhiều cư dân mạng đã bày tỏ nỗi niềm này khi nghe bài hát mới của cả Sơn Tùng. Với Sơn Tùng M-TP thì khán giả đã rất quen với các bài hát "nghe hoài mới hiểu, hiểu rồi mới thấm, thấm rồi mới thích đến nghiện", có một số khán giả tỏ ra khó chịu với cách hát "dính chùm" đến mức khó hiểu của nam ca sĩ.
Lạc trôi
Sơn Tùng M-TP đánh dấu chặng đường hoạt động mới ngay sau khi chia tay ông bầu Quang Huy bằng cách ra mắt MV "Lạc trôi" vào lúc 0 giờ đêm 31/12/2017. Ngay sau khi đăng tải, MV này đã thu về gần 4 triệu view chỉ sau một ngày ra mắt. Khó có thể dùng một mỹ từ nào hơn dành cho Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP, khi từ giai điệu, ca từ, MV, sức hút truyền thông, nhãn hàng quảng cáo và thậm chí cả các bản nhạc chế, các ngôn từ được "Facebook hóa" – mọi thứ có trong ca khúc đình đám này đều có thể trở thành một đề tài đáng để bàn tán.
Dù có nhiều lượt người xem là vậy nhưng "Lạc trôi" của Sơn Tùng vẫn chưa thể chinh phục được số đông cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một ca khúc vừa khó nghe lại khó hiểu khiến nhiều người có cảm giác khó chịu ngay khi giai điệu bài hát vang lên. Biết là Sơn Tùng mạnh về phần rap, nhưng có lẽ thiếu kỹ năng trong khoản "đọc rõ lời".
Chúng ta không thuộc về nhau
Ra mắt từ tháng 8/2016, Chúng ta không thuộc về nhau trở thành bản hit được nghe nhiều bậc nhất làng âm nhạc với giai điệu nhộn nhịp, phần điệp khúc thậm chí sau đó đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội. Có thời điểm, giai điệu của ca khúc đã bị đồn đoán là "nhái" của bản hit We don’t talk anymore của Charlie Puth và Selena Gomez.
Cũng giống như các ca khúc khác, "Chúng ta không thuộc về nhau" có đặc điểm dễ nhận dạng của Sơn Tùng M-TP là không nghe rõ lời. Cư dân mạng ngay lập tức muốn đòi ngay một bản "vietsub" hay lyric của bài hát để hiểu nội dung của những câu rap và phần lời vì không thể nghe được rõ. Cộng thêm nhịp điệu quá nhanh, cách nhả chữ của nam diễn viên không thể khiến từng chữ tách rời, kết quả là khán giả chỉ nghe được câu "chúng ta không thuộc về nhau" trong toàn bài hát.
Buông đôi tay nhau ra
Sơn Tùng M-TP cho biết anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi các thể loại âm nhạc thú vị trên thế giới và chắt lọc những gì phù hợp đưa vào mỗi sản phẩm của mình. Anh luôn muốn mỗi lần mình trở lại đều phải mang đến cho khán giả những gì mới mẻ nhất, không lặp lại điều từng làm. Và lần này là thể loại nhạc Âu - Mỹ với ca khúc "Buông đôi tay nhau ra". Không nhiều view như 4 ca khúc trên nhưng bài hát được xem là thành công vang dội và đánh dấu bước trưởng thành của nam ca sĩ trước thềm liveshow đầu tiên.
Nếu điểm danh những ca khúc theo phong cách "dính chữ" thì không thể không kể đến "Buông đôi tay nhau ra". Nội dung của video ca nhạc xoay quanh câu chuyện chàng trai cô đơn sau khi chia tay người yêu. Sơn Tùng diễn khá tròn vai, lột tả những cảm xúc cô đơn, lẻ loi của chàng trai thất tình.
Khi nghe "Buông đôi tay nhau ra" không rõ lời, nhiều khán giả nhận định lỗi nằm ở lối hát trộn lẫn vào nền của Sơn Tùng. Ngay khi ca khúc được tung ra, như thường lệ, phần hát còn nghe được câu điệp khúc, riêng phần rap khán giả phải chờ... lyric mới hiểu được hết. Không biết nam ca sĩ muốn diễn tả, thổ lộ điều gì qua ý nghĩa của bài hát như thế nào nhưng riêng với khán giả thì nghe rõ để hiểu nghĩa đen của bài hát cũng là điều quá đỗi khó khăn.
Rất nhiều ca khúc Latin được hát bằng tiếng Tây Ban Nha vẫn là hit trên toàn thế giới dù người nghe hoàn toàn không hiểu lời ca nhưng vẫn nghe và nhún nhảy theo. "Hãy trao cho anh" cũng là một ca khúc mang hơi hướng Latin, một vũ điệu mùa hè nên âm nhạc chỉ cần khiến người nghe bị cuốn vào không khí lễ hội được xem là thành công. Tuy nhiên, khi kết hợp với một số nghệ sĩ nước ngoài, việc giữ vững bản sắc văn hóa là điều không thể bỏ qua. Nếu Sơn Tùng hát tiếng Việt mà khán giả Việt còn không nghe rõ lời, liệu đây có phải là vấn đề đáng được đặt lên bàn cân?
Nhân vô thập toàn. Không thể đòi sự hoàn hảo từ Sơn Tùng M-TP nhưng câu hỏi trên của một số người thích âm nhạc có lẽ đáng để suy ngẫm. Vì âm nhạc thì phải nghe rõ bài hát, sau đó nghĩ xem lời bài hát muốn gửi đi thông điệp gì cho cuộc sống, còn thần tượng phải có trách nhiệm giữ hình ảnh đẹp trong mắt fan hâm mộ.