Những món ăn này được biết đến như là những món nhậu, món ăn vặt cho các quý ông và chị em nhâm nhi dịp cuối tuần. Với vị chua chua, ngọt ngọt cộng chút cay của ớt, mùi thơm đặc trưng của tỏi, vị đậm đà của mắm, hai món này hiển nhiên trở thành món khoái khẩu mà nhiều người lựa chọn. Bạn thường ăn chân gà ngâm sả tắc hay tai heo ngâm mắm? Lúc thèm bạn phải đội nắng, đội mưa ngoài hàng mua về? Với bí quyết này, từ nay bạn có thể hoàn toàn tự tay làm được mà chẳng cần phải mua ngoài hàng rồi đấy. Vừa hợp vệ sinh lại thơm ngon không thua kém gì ngoài hàng, lúc thèm chỉ cần mở tủ lạnh lấy ra nhâm nhi, ngại gì mà không thử?
Tuy nhiên, cách làm nói đơn giản là thế nhưng thực ra để làm được một đĩa chân chân gà sả tắc hay tai heo ngâm nước mắm vừa ngon, đẹp mắt, vừa không bị nổi váng – vấn đề nhiều chị em mắc phải, không phải ai cũng làm được. Không phải không có cách đâu! Bạn biết không, ông bà của chúng ta ngày xưa có bí quyết để làm món này không bị nổi váng đấy! Vậy bí quyết của ông bà xưa là gì? Cùng khám phá xem nhé!
Chọn thịt
Theo bí quyết của ông bà ta ngày xưa, khi chọn thịt để làm các món ngâm này thường phải mua thịt có sụn giòn hoặc gân giòn như: bắp hoa hoặc lõi rùa, chân gà, tai heo, chân giò heo… Với việc chọn những loại thịt này, món ăn của chúng ta sẽ giòn ngon, không ngấy mà còn rất ngon nữa đấy.
Bên cạnh đó, sau khi luộc qua các loại thịt, bạn nên chú ý vớt ra và cho ngay vào trong bát nước đá lạnh để tăng độ giòn cho món ăn, đồng thời giúp cho thịt không bị thâm và giữ được màu hấp dẫn của thịt.
Chọn gia vị phù hợp
Ngoài việc chọn được những loại thịt ngon, bạn phải chú ý cách chọn gia vị phù hợp để tẩm ướp cho món ngâm của chúng ta.
Với cách này, bạn nên chú trọng ba loại gia vị quan trọng, tạo nên mùi vị thơm ngon đặc trưng của món ăn, đó là đường, giấm và nước mắm. Sự kết hợp theo cách này với cái giòn giòn của tai heo hay chân gà, mằn mặn của mắm lại chua chua của giấm, những món thịt ngâm mắm cũng vì thế mà trở nên ngon đến khó cưỡng.
Việc nêm nếm tẩm ướp gia vị của món này không nhất thiết phải cân chỉnh theo tỉ lệ, mà tùy vào độ mặn của mắm, độ chua của giấm, bạn có thể tự điều chỉnh sao cho vừa miệng là được. Do đó, bạn cứ tùy theo khẩu vị của mình mà làm hỗn hợp nước mắm ngâm sao cho đến cuối cùng, món ăn tổng hợp được chua, mặn, ngọt vừa phải là được.
Đừng nóng vội cho thịt vào ngâm ngay sau khi làm xong hỗn hợp nước mắm
Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất mà nhiều bà nội trợ mắc phải khiến cho món ăn của chúng ta bị nổi váng. Đồng thời, việc ngâm vào ngay như thế sẽ làm cho thời gian bảo quản của chúng ta không được lâu, món ăn cũng nhanh hỏng hơn.
Để tránh nổi váng sau khi món ăn hoàn thành, trước khi tiến hành ngâm, bạn hãy cho hỗn hợp nước mắm đã chuẩn bị trước đó lên bếp và ngâm ở mức lửa vừa để đường tan ra và các loại gia vị dễ dàng thấm đều vào nhau.
Sau khi đun, đừng nóng vội mà hãy để hỗn hợp nước mắm của chúng ta nguội hẳn rồi mới tiến hành ngâm thịt bạn nhé.
Trong trường hợp bạn làm món chân gà sả tắc, hãy cho thêm tý ớt, tỏi, sả và tắc vào cùng. Còn nếu muốn làm món tai heo ngâm mắm, bạn hãy cho thêm ít ớt hay sả đã được thái sợi vào cùng để món ăn phảng phất mùi vị của sả hòa cùng cái giòn ngon của tai heo, hẳn bạn phải xuýt xoa với món ăn này cho mà xem.
Chọn hũ
Để món ăn không bị nổi váng, bạn chọn dùng hũ sạch và khô ráo hoàn toàn, không còn dính nước là được.
Nguyên liệu chuẩn bị xong hết, bạn xếp thịt vào trong hũ rồi cho nước mắm vào sao cho ngập hết bề mặt thịt để thịt dễ dàng thấm đều gia vị. Giờ thì đậy kín nắp và cho vào ngăn mát tủ lạnh ngâm và dùng dần là được rồi đấy!
Cách làm món chân gà sả tắc và tai heo ngâm mắm không bị nổi váng quá đơn giản phải không nào? Với cách này bạn hoàn toàn có thể vận dụng cho bất cứ món ngâm nào đấy. Còn chần chừ gì nữa, cùng bắt tay vào bếp thôi!
Chúc bạn thành công và ngon miệng!