1. Nguyên nhân dẫn đến thai lưu?
Theo ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thai lưu nên khó để xác định được lý do cụ thể.
Từ phía người mẹ, nếu sản phụ mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, viêm gan, suy thận, thiếu máu, huyết áp cao, basedow, giang mai, nhiễm ký sinh trùng hay các bệnh lý như tiền sản giật, thiểu năng tuyến giáp nguy cơ thai lưu rất lớn.
Ngoài ra, những sản phụ lớn tuổi, chế độ dinh dưỡng kém, lao động vất vả khả năng thai lưu lớn hơn so với mẹ bầu bình thường.
Về phía thai nhi, nếu đứa trẻ mắc các chứng rối loạn nhiễm sắc thể do di truyền từ bố mẹ, thai dị dạng nhiễm sắc thể, vô sọ, tim bẩm sinh nặng, phù nhau thai,... cũng là nguyên nhân khiến thai chết lưu trước khi chào đời. Một số nguyên nhân từ phần phụ như nước ối, bánh nhau hoặc dây rốn, tử cung bất thường cũng dẫn đến tình trạng thai lưu.
2. Dấu hiệu thai nhi ngừng phát triển
Không nghe thấy nhịp tim thai
Nhịp tim thai nhi có thể được nghe thấy từ tuần thứ 7-9 thai kỳ, cũng là khi phôi thai đã vào tử cung. Đây được coi là một trong những cột mốc đầu tiên khi mang thai mà người mẹ nào cũng hồi hộp lắng nghe để nhận biết được sự sống của bào thai.
Tuy nhiên, bất cứ khi nào trong 9 tháng mang thai mà bác sĩ không nghe thấy nhịp tim thai của em bé thì nguy cơ cao là dấu hiệu bào thai đã ngừng phát triển. Ở giai đoạn đầu thai kỳ, nếu không nghe thấy nhịp tim thai cũng có thể là do vị trí nằm của thai nhi hoặc vị trí của nhau thai.
Thường xuyên theo dõi nhịp tim thai là một trong những việc làm mà mẹ nên thực hiện để chắc chắn rằng thai nhi phát triển tốt.
Thai nhi không cử động
Ở những tháng đầu tiên, người mẹ sẽ không thể cảm nhận được những chuyển động của bào thai. Tuy nhiên, trung bình từ tuần thứ 18 - 20, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận những cú đạp, hay trườn mình của em bé với mức độ tăng dần. Tuy nhiên, nếu mẹ bất ngờ không cảm nhận thấy những chuyển động này trong khoảng từ 8-10 giờ liền, thậm chí kể cả khi có tác động từ bên ngoài thì cần đặc biệt chú ý. Bởi đây là một dấu hiệu quan trọng báo hiệu em bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng hoặc thậm chí không phát triển nữa.
Các hoạt động của bé trong bụng mẹ không theo một lịch trình nào cả. Chỉ cần bé hoạt động 1giờ/ngày là đủ và không cần thiết phải diễn ra vào khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, nếu quá lâu không thấy bào thai cử động dù thậm chí mẹ đã tương tác thì cần tới bác sĩ ngay để thăm khám.
Chảy máu đột ngột
Chảy máu trong thai kỳ ở bất cứ giai đoạn nào đều rất đáng lo ngại và có thể là dấu hiệu cảnh báo sảy thai. Nếu như chỉ là một vài đốm máu nhẹ thì không quá lo lắng nhưng nếu là những cục máu đông, ra nhiều máu là dấu hiệu động thai, hoặc nghiêm trọng hơn là mẹ có thể sắp mất con.
Ra máu bất thường khi mang thai là một trong những dấu hiệu nguy hiểm, đặc biệt là khả năng vỡ tử cung sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và con.
Đau thắt vùng bụng dưới
Nếu như những tháng đầu có thai, tình trạng đau lâm râm bụng dưới cho thai nhi đang làm tổ trong tử cung thường không đáng lo ngại. Nhưng nếu thai phụ bất ngờ bị đau thắt vùng bụng dưới đi kèm với dấu hiệu ra máu, đau lưng nặng có thể là dấu hiệu em bé trong bụng mẹ đang vô cùng nguy hiểm. Nếu những cơn co thắt mạnh thì có thể là tử cung đang đẩy em bé ra ngoài.
Các chỉ số của thai nhi dưới chuẩn
Nếu siêu âm theo lịch định kì cho thấy bào thai có các chỉ số cân nặng, chiều dài, vòng đầu… nhỏ hơn mức chuẩn thì cũng là vấn đề đáng ngại. Nếu như những tuần cuối có thể do nhau thai đã bị canxi hoá khiến việc hấp thụ dinh dưỡng của thai nhị sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng nếu trong quá trình mang thai các chỉ số liên tục dưới chuẩn thì mẹ nên lưu ý.
Sự phát triển trong tử cung bị hạn chế có thể do các vấn đề ở nhau thai. Nếu nhau thai không hoạt động bình thường thì bào thai cũng có thể ngừng phát triển.