Cả khối thức ăn tắc trong ruột
Bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng khoa thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị đau bụng dữ dội do tắc thức ăn ở dạ dày.
Bệnh nhân là ông Vũ Quang L. (64 tuổi, Hà Nội) do trước đó đã ăn món măng nấu và gây tắc ở dạ dày nên bị đau bụng dữ dội. Khi vào viện, các bác sĩ nội soi phát hiện u bã thức ăn ở dạ dày và tiến hành gắp ra.
Bác sĩ Hiền cho biết bình thường các loại u bã thức ăn có thể cắt nhỏ để tiêu hoá đường ruột. Nhưng với khối bã thức ăn của ông L., bác sĩ không thể cắt được mà phải gắp nhỏ ra vì măng quá rắn chắc.
Ông L. kể nhà bán măng khô và trước vẫn ăn bình thường. Gần đây răng yếu, ông ít ăn nhưng thèm quá nên ăn lại ai ngờ bị tắc dạ dày.
Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị H. (53 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) vào viện vì đau bụng kèm theo các cục cứng nổi trên bụng. Bà H. nghĩ mình bị ung thư vì cục cứng như khối u.
Khi bác sĩ nội soi thì phát hiện không phải khối u mà là u bã thức ăn chặn tắc ruột khiến bệnh nhân đau và viêm vùng tắc ruột. Nếu không cắt gắp khối tắc thì nguy cơ phải mổ mở rất lớn. Vì khối u to và chèn chặt ruột của bệnh nhân.
Bà H. kể trước đó đã ăn nhiều quả hồng xiêm lúc đói. Bà thích ăn hồng xiêm và được cho 2kg hồng nên ngồi gọt ăn. Bác sĩ đã phải nội soi gắp từng phần bã thức ăn bị tắc cho bệnh nhân.
Bác sĩ Vũ Huy Hiền cho biết những người già răng yếu hay bị tắc thức ăn khi ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ mà không nhai kỹ. Ăn một số loại quả có chứa chất tanin như hồng ngâm, hồng xiêm, ổi xanh... cũng dẫn đến nguy cơ này. Đặc biệt, ăn lúc đói càng dễ gây tắc ruột hơn.
Cần ăn như thế nào để tránh tắc ruột?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoà, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp.
Bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu, tùy theo thành phần của nó mà chia thành nhiều loại như: Bã thức ăn thực vật khối bã thức ăn động vật, khối lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại.
Theo bác sĩ Hoà, loại thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật. Khối bã thức ăn thực vật được hình thành ở dạ dày và di chuyển xuống ruột non khi dạ dày không còn toàn vẹn sau nhiều phẫu thuật khác nhau như cắt dạ dày, cắt dây X, nối vị tràng…
Bác sĩ Hòa thông tin: "Những trường hợp tắc ruột cấp cứu chủ yếu là người già, người ăn hoa quả, thực phẩm có nhiều chất xơ măng, xơ mít hoặc hoa quả nhiều chất tanin (quả hồng, hồng xiêm); trẻ ăn quá nhiều hoa quả như sim, ổi… Những thức ăn này dính lại thành cục trong lòng ruột, không tiêu được, gây tắc ruột. Do đó, người già răng yếu, trẻ nhỏ hạn chế ăn các loại thực phẩm này".
Ngoài ra, không ăn khi đói vì lúc này dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Với người cao tuổi, nguy cơ tắc thức ăn lớn hơn, bác sĩ Hoà khuyến cáo cần ăn thực phẩm nấu chín, ninh nhừ… nhai kỹ khi ăn.
Nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày. Đống thời tập thể dục đều đặn để ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.
Mọi người không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục hay ăn trái cây (nhãn, vải, táo) mà nuốt luôn cả hạt.
Ngoài ra, khi ăn rau nên ăn thêm các loại rau có độ nhớt (rau đay, mùng tơi, đậu bắp…). Những loại này có chất xơ hòa tan với nước, dễ thấm hút nước chống táo bón.
Đối với trái cầy nhiều chất chát, không nên ăn quá nhiều, không ăn lúc đói và không ăn chung với thức ăn có nhiều đạm.