Trong cuộc tọa đàm “Can thiệp không bạo lực với trẻ tự kỷ" mới diễn ra, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các phụ huynh có con tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển. Theo đó, ông Nam đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh và nhà chuyên môn liên quan đến vấn đề can thiệp cho trẻ bằng phương pháp bạo lực; vấn đề quản lý các cơ quan chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ hiện nay, chính sách hỗ trợ trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ và nhiều vấn đề khác.
Ông Đặng Hoa Nam cùng các chuyên gia thảo luận, trao đổi cùng phụ huynh về những nội dung liên quan đến chất lượng của các TT/ cơ sở can thiệp và nhiều vấn đề khác.
Ông Nam cho biết, bản thân ông đánh giá rất cao những người sáng lập và thầy cô ở các cơ sở mầm non, cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật, đặc biệt là cơ sở nội trú, bán trú bởi công việc này đòi hỏi trách nhiệm rất nhiều. Họ phải thay cha mẹ trẻ chăm sóc bé suốt ngày đêm, có nguy cơ gặp rủi ro lớn bởi sẽ bị cả xã hội lên án nếu phạm lỗi.
Tuy nhiên, hành vi bạo lực trẻ là không thể chấp nhận được. Bạo lực, cả về mặt thể chất và tinh thần đều là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật.
“Không chỉ đánh đập, gây thương tích mà kể cả sỉ vả, hạ nhục, quát mắng trẻ do nóng giân cũng đều là bạo lực. Giáo dục bất cứ đứa trẻ nào, đặc biệt là trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ cần phải xuất phát từ sự tôn trọng, kiên trì, biết cách kiềm chế cơn nóng giận và đặc biệt là không bạo lực”, ông Nam chia sẻ.
Về vấn đề quản lý các cơ quan chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, ông Nam cho biết, hiện các cơ quan quản lý Nhà nước đang tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ, nghiên cứu, đưa ra các quy trình, tiêu chuẩn của tất cả các dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ xã hội.
“Chúng tôi đang làm các khảo sát để thứ nhất đưa ra danh mục các dịch vụ phải cung cấp cho trẻ về lĩnh vực lao động thương binh xã hội, thứ hai đưa ra quy trình và thứ ba đưa ra đơn giá. Tất cả phải trở thành 1 hệ thống quy định hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước. Khi tư nhân, các tổ chức xã hội muốn cung cấp dịch vụ đó thì quy trình, tiêu chuẩn, dịch vụ, giá đều phải tiến hành theo quy định. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý khi có vi phạm”, ông Nam cho biết.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta không có đủ các tiêu chuẩn, không quy định rõ ràng và hướng dẫn không tốt, vi phạm tất yếu sẽ xảy ra.
Phụ huynh trao đổi ý kiến cùng các chuyên gia trong buổi tọa đàm.
Về vấn đề chính sách cho trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ, theo ông Đặng Hoa Nam, Luật Trẻ em hiện nay quy định có 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tất cả nhóm trẻ em này đều cần có chính sách hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ bằng tiền mặt và mức hỗ trợ cao cấp hơn là hỗ trợ bằng dịch vụ, trong đó cao nhất là dịch vụ miễn phí.
Luật Người khuyết tật chia các trường hợp ra 3 mức độ là nhẹ, nặng và đặc biệt nặng. Chính sách của Nhà nước hiện chủ yếu hỗ trợ các trường hợp đặc biệt nặng hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn.
“Hiện nay, vấn đề xác định mức độ khuyết tật của trẻ em, trong đó có trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ thuộc chuyên môn của Bộ Y tế. Chúng tôi rất mong mỏi sẽ sớm có tiêu chí để đánh giá mức độ khuyết tật về mặt tâm thần, trí tuệ của trẻ và sẽ có trách nhiệm đôn đốc Bộ Y tế”, ông Nam thông tin.
Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh có con rối nhiễu phổ tự kỷ trong việc lựa chọn dịch vụ, ông Nam chia sẻ, điều đầu tiên là phụ huynh cần biết cách sàng lọc và thẩm định thông tin. Thay vì dựa vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội, cha mẹ cần đến tận nơi quan sát cơ sở vật chất, trò chuyện với các thầy cô để đưa ra đánh giá về chất lượng của nhà trường.
Phụ huynh cũng cần biết cách thẩm định lời hứa của phía cung cấp dịch vụ để xác định đâu là lời nói thật, đâu chỉ là quảng cáo. Đặc biệt, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các cha mẹ khác đang và đã từng cho con theo học ở trường, hỏi chính các cháu từng học nếu có thể để đưa ra nhận định chính xác nhất.
“Hiện nay, có rất nhiều chuyên gia điều trị, chăm sóc trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ. Chúng ta có thể gặp những người thuộc dạng ngộ nhận, tức là họ được đào tạo chuyên môn về tâm lý học lâm sàng nhưng không có giai đoạn thực hành, không có kinh nghiệm hoặc dạng ngộ nhận về phương pháp của mình dù chưa được kiểm chứng. Nguy hiểm hơn, chúng ta có thể gặp những người thuộc dạng mạo nhận, tức biết không có trình độ nhưng vẫn mở trung tâm. Vậy nên, phụ huynh cần biết cách sàng lọc thông tin, quan sát trực quan để phát hiện đâu trung tâm, chuyên gia có chất lượng thực sự hay chỉ là ngộ nhận, mạo nhận”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh thêm.