Có dấu hiệu bạo hành trẻ, sẽ đề nghị xử lý hình sự
Liên quan đến loạt bài điều tra của VietNamNet phản ánh hoạt động của trung tâm Tâm Việt, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em - ông Đặng Hoa Nam (Bộ LĐ TB&XH) thông tin, Cục đã gửi công văn yêu cầu Sở LĐ TB&XH Bắc Ninh vào cuộc thanh tra đối với điều kiện hoạt động của Trung tâm Tâm Việt và xử lý các hành vi xâm phạm quyền trẻ em".
“Trường hợp phát hiện có dấu hiệu xâm hại, bạo lực rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng, Cục sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa trung tâm, đồng thời xử lý theo quy định pháp luật”, ông nêu quan điểm.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, bước đầu Sở Lao động TB&XH Bắc Ninh có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Từ Sơn, kiểm tra, nắm tình hình.
Theo báo cáo từ trường ĐH TD TT Từ Sơn về hợp đồng thuê cơ sở vật chất của Trường TDTT Từ Sơn:
Hợp đồng thuê của Tâm Việt có hiệu lực sử dụng từ 01/5/2019, đến 01/6/2019, Trường Từ Sơn phát hiện những dấu hiệu bất ổn của Tâm Việt nên thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng từ 01/9/2019.
Đến 30/9/2019, Tâm Việt bàn giao lại cơ sở vật chất cho Trương Từ Sơn. Hợp đồng thuê cơ sở vật chất của Tâm Việt tại Trường Từ Sơn gồm: 8 phòng tại khu nhà Canteen 4 + Sân luyện tập + Bếp ăn Canteen 4.
Phía các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng thu thập đầy đủ danh sách 40 học sinh học nội trú tại trung tâm. Toàn bộ trẻ em được nuôi dạy trong đó đến từ tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa… không có trẻ nào có HKTT ở Bắc Ninh.
Quá trình xác minh, Sở LĐ TB&XH Bắc Ninh phát hiện, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của trung tâm này do Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội cấp với tên Doanh nghiệp đầy đủ là: Công ty TNHH Tâm Việt Giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật cấp lần đầu ngày 12/4/2016. Trụ sở chính tại thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội)
“Đây cũng là một yếu tố khiến việc thanh tra, xử lý hệ lụy các hành vi bạo hành trẻ em ở trung tâm Tâm Việt trở nên phức tạp, vì họ đăng ký kinh doanh ở Hà Nội nhưng hoạt động ở các tỉnh/ thành khác. Tuy nhiên, chúng tôi xác định rõ, khó nhưng vẫn phải giải quyết đến cùng.
Vấn đề quan trọng bây giờ là sự phối hợp giữa Sở LĐ TB&XH Bắc Ninh và Sở LĐ TB&XH Hà Nội", đại diện Cục Bảo vệ trẻ em cho hay.
Ông Đặng Hoa Nam khẳng định, nếu có dấu hiệu ngược đãi trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, Cục sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật, nhẹ thì phạt hành chính, nặng và gây hậu quả nghiêm trọng, buộc phải xử lý hình sự.
“Hiện trung tâm Tâm Việt đã rút khỏi Từ Sơn (Bắc Ninh), các ban ngành sẽ phải xác định xem họ đang hoạt động ở đâu. Từ đó, triển khai các biện pháp kiểm tra và xử lý tiếp theo”, ông Nam nói.
Chồng chéo việc cấp phép và quản lý?
Trả lời VietNamNet, Cục trưởng cục Bảo vệ trẻ em chia sẻ thêm, vấn đề quản lý và cấp phép các cơ sở nuôi dưỡng, đào tạo trẻ khuyết tật ở Việt Nam hiện nay đang bị chồng chéo giữa các ban ngành. Đặc biệt là trung tâm chuyên về trẻ tự kỷ.
“Các cơ sở bảo trợ, trợ giúp xã hội do ngành Lao động cấp phép, quản lý. Nếu hoạt động trên địa bàn tỉnh, địa bàn huyện thì do UBND tỉnh hoặc UBND huyện cấp phép, quản lý.
Tâm Việt được Sở kế hoạch đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh thì Sở kế hoạch quản lý. Trường hợp họ đăng ký là cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật hay trẻ em rối loạn phổ tự kỷ thì thuộc trách nhiệm của Sở Lao động TP &XH Hà Nội quản lý.
Ở đây, chúng ta đang gặp vấn đề khó là nó giao thoa giữa các lĩnh vực khác nhau. Lĩnh vực giáo dục thuộc về ngành giáo dục, lĩnh vực trị liệu thuộc về ngành y tế, lĩnh vực chăm sóc thuộc về ngành LĐ TB&XH.
Tuy nhiên, muốn quản lý tốt ta phải có tiêu chí đánh giá mức độ khuyết tật ở trẻ tự kỷ từ đó mới ban hành ra những quy trình về chăm sóc, giáo dục cụ thể…”, ông Nam chia sẻ.
Đại diện Cục Bảo vệ trẻ em bày tỏ lo lắng trước lỗ hổng về các tiêu chí, đánh giá mức độ khuyết tật của trẻ tự kỷ.
“Ở nước ta chưa có cơ quan nào ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về vấn đề phát hiện sớm, điều trị cho những đối tượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Với mức độ khuyết tật nặng về trí tuệ và tâm thần, chúng ta đã có những tiêu chuẩn để đánh giá rõ ràng nhưng ở mức độ nhẹ như: Rối loạn, trầm cảm, tăng động hoặc sang chấn tâm lý thì chúng ta chưa có hệ thống tiêu chuẩn đánh giá mức độ bệnh cũng như tiêu chuẩn của các cơ sở chăm sóc trẻ ở mức độ này.
Chính vì chưa có tiêu chí đánh giá cũng như phác đồ điều trị hội chứng này nên các trung tâm điều trị trẻ tự kỷ tại Việt Nam mở ra tràn lan, áp dụng theo các phương pháp khác nhau. Người thì nói là phương pháp của Mỹ, người thì nói là phương pháp của Pháp, rất hỗn loạn.
Người ta đưa trẻ về nuôi dưỡng, điều trị, dạy dỗ. Phụ huynh thấy có cơ sở quảng cáo điều trị trẻ tự kỷ thì đưa con vào mà không cần biết trung tâm đó có hiệu quả hay không”, ông Nam khẳng định.
Trẻ tự kỷ là dạng khuyết tật về mặt tâm thần, nhưng để xác định rõ thì phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Trách nhiệm đó Uỷ ban quốc gia về trẻ em đã giao cho Bộ Y tế triển khai các tiêu chuẩn, quy trình, để khám, phát hiện và xây dựng phác đồ điều trị.
Bộ LĐ TB&XH là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, chịu trách nhiệm đôn đốc nhắc nhở các bộ ban ngành thực hiện đúng chức năng về trẻ em theo quy định pháp luật, luật trẻ em.
Theo Cục trưởng cục Bảo vệ trẻ em, hiện nay nước ta chỉ mới có chính sách trợ giúp cho đối tượng trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng trong các gia đình nghèo và cận nghèo.
Cũng chính từ thực tế trên, chỉ khi những vi phạm trở nên nghiêm trọng, gây bạo lực hoặc xâm hại trẻ thì mới có căn cứ cụ thể để can thiệp và xử lý.
Với sự việc xảy ra ở Bắc Ninh, quan điểm của Cục Bảo vệ trẻ em là giải quyết triệt để nhằm bảo vệ các cháu.
Bên cạnh hệ thống thanh tra của Bộ và ban ngành, ông Nam cho hay, còn có đường dây nóng 111. Cục Bảo vệ trẻ em khuyến khích người dân phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào xâm phạm đến quyền trẻ em, ngược đãi trẻ em, hãy gọi đến đường dây này báo tin.
Trung tâm 111 sẽ nhanh chóng triển khai việc kết nối, xác minh và hỗ trợ cho đối tượng trẻ em là nạn nhân.