Sự ra đời của em bé thứ 2 với mỗi gia đình đều vô cùng hạnh phúc nhưng với gia đình cô Triệu (26 tuổi, sinh sống tại Trung Quốc) lại thêm nhiều lo lắng. Em bé sinh ra với lượng đường huyết thấp nên ngay khi lọt lòng mẹ đã phải đưa đến khoa sơ sinh để điều trị. Điều đáng nói là nguyên nhân chính lại xuất phát từ phía người mẹ.
Em bé chào đời khỏe mạnh nhưng đường huyết lại thấp bất thường
Cô Triệu, 26 tuổi đã hạ sinh đứa con đầu lòng bằng phương pháp mổ lấy thai vào tháng 1/2016. Đến cuối năm 2017, bà mẹ trẻ lại tiếp tục mang thai đứa con thứ 2.
Vào ngày 11/6 vừa qua khi đang mang thai ở tuần 38, cô bất ngờ nhận thấy dấu hiệu có máu báo, đau bụng theo từng cơn và nhanh chóng đến bệnh viện. Vì lần đầu cô sinh mổ cách đây không lâu và sau khi khám thai, bác sĩ quyết định vẫn tiếp tục mổ đẻ cho sản phụ.
Ca sinh diễn ra khá suôn sẻ, em bé chào đời nặng 3,6kg. Y tá cho biết, em bé sau khi ra đời đã khóc và có các phản xạ bình thường như những bé sơ sinh khỏe mạnh khác. Tuy nhiên khi y tá đo đường huyết cho bé thì phát hiện ra điều bất thường. Mức đường huyết của bé quá thấp khiến bác sĩ bất ngờ.
Trên thực tế, khi cơ thể trẻ có đường huyết quá thấp có thể sẽ rơi vào hôn mê, thậm chí là gây ra tổn thương tới hệ thần kinh, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển não bộ và nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến tính mạng bé.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã chuyển bé đến khoa sơ sinh để can thiệp kịp thời và em bé chưa thể gặp mẹ trong ngày hôm đó.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết
Các bác sĩ tại bệnh viện cô Triệu sinh con cho biết đây là hiện tượng hiếm gặp. Và bà mẹ trẻ thực sự bất ngờ khi bác sĩ cho biết nguyên nhân lại xuất phát từ chính lý do lượng đường trong máu của người mẹ quá cao.
Theo đó, trong cả 2 lần mang thai, cô Triệu đã ăn uống khá thoải mái vì những cơn thèm ăn thường xuyên. Hơn nữa, bà mẹ trẻ luôn nghĩ rằng mẹ ăn nhiều thì con sẽ phát triển tốt. Ở lần mang thai đầu, cô được phát hiện bị tiểu đường thai kỳ ở tháng thứ 7 nhưng đã kịp kiểm soát và hạ sinh con gái khỏe mạnh.
Đến lần mang thai thứ 2, bà mẹ trẻ cũng được cảnh báo về lượng đường trong máu cao. Các bác sĩ luôn khuyên cô cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình. Ở tuần 17, cô đã được sử dụng insulin để điều trị bệnh nhưng đến tuần 35, lượng đường trong máu lại tăng trở lại.
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ tại bệnh viện cô Triệu sinh con cho biết: “Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết đột ngột là do quá trình chuyển hóa glucose. Sau sinh, những đứa trẻ có mẹ bị đái tháo đường trải qua một giai đoạn ngưng đột ngột sự cung cấp glucose từ mẹ, trong khi đó, mức insulin vẫn còn cao do sự tăng đường huyết trước đó, dẫn đến trẻ dễ dàng bị hạ đường huyết.”
May mắn là sau một thời gian điều trị, em bé của cô Triệu đã ổn định và được về với mẹ.
Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện đều đặn và chú ý kiểm tra đường huyết để phòng và phát hiện sớm bệnh tiểu đường thai kỳ. Không chỉ khiến trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết đột ngột, mẹ bị tiểu đường còn có thể đối mặt với những nguy cơ xấu như sảy thai, sinh non, thai chết lưu hay mẹ bị băng huyết sau sinh...