Theo K. kể, sau khi lên mạng tìm việc làm, K. thấy có giới thiệu làm nhân viên phục vụ ở quán karaoke. Ban đầu, K. chỉ nghĩ làm phục vụ, bưng đồ ăn, nước uống, bấm bài hát nên đồng ý. Người môi giới chở K. đến quán karaoke IDOL. Cũng theo lời K., lúc mới đến làm, K. rót bia cho khách nhưng làm được 3 ngày, có người nói từ từ cũng phải đi tiếp khách. Lo sợ, K. xin nghỉ nhưng quản lý quán nói nếu nghỉ phải trả tiền môi giới. Khi K. nói không có tiền, người này nhắn: "Để anh kêu ai mua thận em bán nhá".
Cũng thời điểm đó, trả lời phóng viên, một vị lãnh đạo Công an TP Dĩ An cho biết K. không bị người của quán karaoke ép buộc, khống chế hay đe dọa gì. Việc dọa bán thận chỉ là nói đùa; K. bị thương do tự ý bỏ trốn và bị ngã xuống đất.
Trong khi đó, Báo Người Lao Động liên tục nhận được những phản ánh bức xúc của người dân về những hoạt động "bí ẩn" của quán karaoke IDOL. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Bên trong quán karaoke IDOL có gì? Có hay không việc dắt mối, lừa bán lao động vào các tụ điểm kinh doanh có yếu tố nhạy cảm? Liệu các cô gái làm việc ở đây có bị "ép tiếp khách"?
Những câu hỏi, những bức xúc đó thôi thúc chúng tôi phải vào cuộc tìm hiểu.
Mất hơn 2 tháng thâm nhập, không ít lần gặp nguy hiểm, chúng tôi mới có thể tìm ra "những bí mật động trời" bên trong quán karaoke IDOL và nhiều quán karaoke thác loạn khác ở Bình Dương.
Bắt đầu từ ngày 13-6, Báo Người Lao Động khởi đăng loạt phóng sự điều tra "Vén màn dịch vụ quái đản núp bóng quán karaoke".