Cô gái 17 tuổi đột quỵ, rơi vào cảnh "thập tử nhất sinh" vì dùng thuốc tránh thai
Grace Russell - một sinh viên đến từ Rugeley, Staffordshire từng bị đột quỵ ở tuổi 17 sau khi uống thuốc tránh thai. Với Grace, một cô gái vẫn trong độ tuổi teen, đang bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi đại học, đột quỵ nghe như là thứ gì đó xa xôi bởi cô nghĩ nó chỉ xảy ra với người già. Nhưng trong những tháng tiếp theo, khi bạn bè ra ngoài vui chơi, tận hưởng cuộc sống, Grace lại phải bắt đầu lại những thứ mà cô đã quen từ bé: Học đi, học nói, học đọc, học tự ăn.
Grace không hề hay biết, chính việc dùng thuốc tránh thai đã khiến cô đối mặt với nguy cơ bị cục máu đông có thể gây nguy hiểm tính mạng. Grace, hiện 25 tuổi, thổ lộ: "Vài tuần trước khi đột quỵ, tôi bị đau đầu. Nhưng chỉ cho rằng, đó là do áp lực thi cử mà thôi".
Grace thức giấc vào một buổi sáng chủ nhật với các triệu chứng như bị cúm. Cô cũng không thể tập trung nhìn một cách bình thường. Nhưng Grace không nghĩ ngợi gì nhiều. Chiều muộn hôm đó, cô tới phòng tập thể hình.
"Khi lái xe tới phòng tập, tôi bất ngờ không cảm nhận gì ở phía bên phải cơ thể. Bằng cách nào đó, tôi đã xoay sở dừng xe lại. Tôi kéo tấm che nắng ô tô xuống và để ý thấy mặt tôi như chảy xuống. Tôi gọi điện cho mẹ và nói mẹ tới đón tôi về", cô nhớ lại.
Ký ức sau cùng của Grace lúc đó là cha mẹ đến và mẹ cô đã gọi tên con gái. Cô được đưa tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Tại đây, Grace phát hiện mình không thể đọc nổi một câu và bị lẫn lộn các từ với nhau.
Chụp cộng hưởng từ sau đó tiết lộ cô bị chảy máu và có cục máu đông trong não khiến cơ thể rơi vào tình trạng hôn mê trong suốt 2 tuần. Để cứu sống, các bác sĩ phải tiến hành mở hộp sọ, loại bỏ 1/3 hộp sọ để giảm ác lực chảy máu não. Grace được thông báo, cô chỉ còn 20% cơ hội sống sót và thậm chí chỉ 10% có thể tự nuốt thức ăn.
Thật may mắn, 1 tháng sau, Grace được chuyển về bệnh viện gần nhà hơn. 2 tháng sau đó, cô xuất viện. Và 1 năm sau, bác sĩ cấy một đĩa titan vào đầu cô.
Hiện Grace bị hội chứng hậu đột quỵ. Theo đó, dây thần kinh ở lưng cô gửi tín hiệu đau về não. "Cơn đau khủng khiếp lắm", cô thổ lộ. Grace phải dùng thuốc giảm đau cực mạnh nhưng lại phải chịu đựng các tác dụng phụ của thuốc như không còn cảm giác ngon miệng và đau đầu. "Không có thuốc, tôi không thể đi lại hay tới cơ quan. Thuốc chính là thứ xấu nhưng lại cực cần thiết với tôi", cô cho biết.
Có thời điểm, Grace phải dùng tới 12 viên thuốc/ngày và ngủ suốt 18 tiếng nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức. Thời điểm này, cô dùng 4 viên thuốc/ngày theo lộ trình giảm dần liều lượng thuốc nhưng nó đã tạo ra khác biệt lớn lao.
Kể từ sau lần đột quỵ, Grace đã tốt nghiệp đại học và hiện có công việc toàn thời gian. "Đôi khi, tôi có cảm giác như mình là một bà lão 90 tuổi", cô gái trẻ đang phải chống chọi với chứng trầm cảm chia sẻ. "Đột quỵ đã làm thay đổi cá tính của tôi. Tôi phải đeo băng chứng nhận khuyết tật và bị những người cao tuổi xúc phạm vì dùng nó. Tôi vẫn đang học cách không phán xét người khác.
Theo Esmee Russell, phụ trách chiến dịch nâng cao nhận thức và phòng ngừa đột quỵ tại Stroke Association cho biết các estrogen tìm thấy trong hầu hết các viên thuốc tránh thai có thể làm tăng khả năng đông máu - và điều này làm tăng tỷ lệ đột quỵ. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về nguy cơ của thuốc tránh thai và để cho mọi người biết bạn có thể bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Nguy cơ đột quỵ gây ra do thuốc tránh thai thấp, nhưng nó sẽ cao hơn nếu bạn có tiền sử các bệnh khác ví dụ như cao huyết áp, thừa cân hoặc hút thuốc lá. Đột quỵ có thể tấn công ngay lập tức nhưng hậu quả của nó có thể kéo dài suốt cuộc đời. Chứng bệnh khủng khiếp này có thể giết chết phụ nữ nhiều gấp 3 lần so với ung thư vú mỗi năm”.