1. Xuất phát từ định kiến của xã hội
Tại Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung thì sau khi kết hôn con gái sẽ phải theo chồng, về nhà chồng làm dâu. Con gái kết hôn thì phải về bên chồng sinh sống, phụng dưỡng chồng, bố mẹ chồng còn con rể thì thi thoảng chạy qua nhà vợ khi có việc cần mà thôi.
Nếu có điều kiện hoặc vì lý do gì đó cả hai vợ chồng sẽ dọn ra ở riêng chứ không có chuyện ở rể. Định kiến của xã hội vẫn gắn chặt trong tư tưởng của người Việt Nam đến tận bây giờ nên đàn ông vẫn rất “e ngại” nếu kết hôn phải sang ở rể bên nhà vợ.
2. Chuyện ở rể đồng nghĩa người đàn ông kém cỏi
Quan điểm của người phương Đông thì đàn ông phải là trụ cột gia đình, phải gánh vác vấn đề lo toan kinh tế cho vợ con. Nếu đàn ông là một người bản lĩnh chắc chắn đã có thể lo cho vợ con một cuộc sống đàng hoàng, tử tế chứ làm gì có chuyện ở rể. Thế nên nếu một người đàn ông nào đó chấp nhận chuyện ở rể thì chắc chắn sẽ bị mọi người nhìn nhận là người đàn ông kém cỏi, thiếu bản lĩnh phải “ăn nhờ ở đậu” nhà vợ.
Trên thực tế việc người ta ở rể hay không cũng không gây ảnh hưởng đến kinh tế nhà ai, cũng không làm phiền gì đến hàng xóm cả. Thế nhưng cái nhìn của mọi người về anh chàng ở rể dù anh ta có thành đạt đến mấy, tự đi trên đôi chân của mình cũng sẽ khác so với những người đàn ông có thể gánh vác vợ con trên vai, lo cho vợ con đủ đầy. Mà khi bị người khác đánh giá kém cỏi thì thử hỏi làm gì có ông đàn ông nào muốn ở rể phải không nào?
3. Người đàn ông ở rể với mục đích “đào mỏ”
Chuyện ở rể của những người đàn ông còn khiến cho nhiều người đánh giá là họ chỉ muốn “đào mỏ” nhà vợ. Nhất là khi nhà vợ có điều kiện một chút thì y rằng việc ở rể sẽ là chủ đề được mọi người đem ra bàn tán. Nào là “anh chàng này đang có ý định đào mỏ”, khi thì “lấy vợ giàu ở rể thì bám váy vợ là cái chắc”,…
Miệng lưỡi của thế gian, của xã hội như làn sóng biển, lúc thì đẹp đẽ biết bao nhưng khi cũng vô cùng hung ác, thậm chí còn giết chết cả con người. Mà cái ác là miệng lưỡi thế gian đâu có dễ dàng bịt được, họ thích thì họ cứ nói, cứ xa xả đấy mà chẳng ai làm được gì.
Vì tâm lý cho rằng mình là anh chàng chỉ vì “đào mỏ” nên mới phải ở rể nên đàn ông mấy ai muốn phải ở rể đâu.
4. Đàn ông ở rể là nhục nhã
Nhiều người còn cho rằng chuyện ở rể của một người đàn ông thì đồng nghĩa người đàn ông đó nhục nhã, ê chề sẽ mãi không thể ngóc đầu lên đường. Bởi quan niệm cho rằng đàn ông đầu đội trời, chân đạp đất thì phải ăn to nói lớn, làm việc này việc nọ cho ra thằng đàn ông. Chứ đàn ông mà ở rể thì khác nào “chó chui gầm chạn” đâu, làm gì có tiếng nói trong gia đình.
Mọi người cho rằng đàn ông ở rể thì phụ thuộc vào nhà vợ, gia đình vợ thì mãi mãi không thể ngẩng đầu lên được. Dù có làm gì, đi đâu cũng phải dè chừng, để ý nhà vợ để mà sống.
Vì những định kiến xã hội, quan điểm của người đời mà những câu chuyện ở rể luôn được đưa lên bàn cân để đong đo, bàn tán. Bởi thế đàn ông rất sợ và không muốn phải ở rể. Thế nhưng những lời bàn tán của mọi người không giúp chúng ta sống tốt hơn, không cho ta được giàu sang phú quý. Bởi vậy đàn ông dù có ở rể hay không, miễn sao sống đúng với lương tâm và sống thật tốt, hạnh phúc là được.