Bài 3: Nghệ sĩ “ngâm” tiền từ thiện quá lâu, có thể có những dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Sự việc bắt nguồn từ thông tin nữ đại gia Phương Hằng (Khu du lịch Đại Nam) cho biết, người hâm mộ trong nước và nước ngoài ủng hộ hơn 14 tỷ tới miền Trung nhưng vẫn “nằm” trong tài khoản của nam nghệ sỹ Hoài Linh 6 tháng nay.
Trả lời báo Người lao động, NSƯT Hoài Linh cho biết số tiền từ thiện chính xác là hơn 14,67 tỷ đồng và khẳng định số tiền hiện vẫn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích từ thiện mà anh đã thiết lập.
Nam nghệ sỹ giải thích lý do tiền vẫn trong tài khoản bởi Tết Nguyên Đán Tân Sửu vừa qua, anh đã chuẩn bị đi trao số tiền cho đồng bào miền Trung, sau chuyến lưu diễn tại Điện Biên, Lai Châu. Tuy nhiên, vì tình hình dịch covid-19 bùng phát nên chuyến đi chưa thực hiện được. Hoài Linh cũng dự kiến từ ngày 10 đến 17-5 tiến hành chuyến thiện nguyện nhưng rồi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn nên đành phải dời lại.
Trong clip gửi một số cơ quan báo chí, nam nghệ sỹ khẳng định “sẽ đến tận nơi trao và xin lỗi đồng bào miền Trung về sự chậm trễ này”.
Mặc dù nghệ sỹ Hoài Linh đã lên tiếng và khẳng định "không làm mẻ một đồng" số tiền mà công chúng đã đặt niềm tin nơi anh. Tuy nhiên việc Hoài Linh giữ hơn 14 tỷ đồng chưa làm từ thiện dấy lên tranh luận từ khán giả.
Điều người hâm mộ thắc mắc, nếu như không có thông tin từ bà Phương Hằng thì số tiền này đến khi nào mới được trao?
Trước câu hỏi: Nghệ sĩ đi làm từ thiện, sau khi nhận tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân đã không kịp thời chuyển cứu trợ, có vi phạm pháp luật không? Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?
Ths. Luật sư Nguyễn Tiến Hoà (Giám đốc Công ty Luật TNHH SBLaw, TP.HCM) cho biết, việc nghệ sĩ dùng sức ảnh hưởng từ uy tín của cá nhân đứng ra kêu gọi, vận động, quyên góp giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn trong lũ lụt là rất đáng quý, trân trọng.
Tuy nhiên, cũng cần phân định rạch ròi giữa việc cứu trợ và làm từ thiện, cũng như nhìn nhận rõ bản chất của việc cứu trợ mà nghệ sĩ thực hiện trong trường hợp này.
Việc làm từ thiện là bao hàm mọi hành động của cá nhân hay tổ chức có điều kiện hỗ trợ, cứu giúp người yếu thế, người đang ở tình trạng bị thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng,…và cứu trợ là một trong các hoạt động làm từ thiện.
Tuy nhiên, bản chất của cứu trợ là nhanh chóng, kịp thời với nhu cầu cấp thiết của người cần được cứu trợ, đồng thời, người đứng ra cứu trợ lúc này có trách nhiệm hành động ngay lập tức để giảm thiểu tối đa những khó khăn, tổn thất về tài sản, thậm chí cả tính mạng của con người.
Dưới góc độ pháp luật liên quan đến vấn đề này, hiện nay có Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của Nghị định này không áp dụng cho trường hợp cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp mà chỉ áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ.
Việc nghệ sĩ đứng ra nhận tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân này có thể được xem là quan hệ dân sự về việc thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền tặng cho tài sản.
Người tặng cho là các mạnh thường quân và người được tặng cho là đồng bào đang gặp khó khăn vì thiên tai. Nghệ sĩ trong trường hợp này chỉ là người được ủy quyền của người tặng cho, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của người tặng cho sang cho người nhận tặng cho tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước đó (thông qua những phát ngôn của mình khi kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp). Việc ủy quyền tặng cho tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 138, Điều 562 và Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015.
Một khi nghệ sĩ đã đồng ý nhận ủy quyền của những người khác để nhận tiền, chuyển giao số tiền đó cho đồng bào đang gặp khó khăn thì đó là nhận thực hiện nghĩa vụ dân sự; cần có trách nhiệm thông báo cho người được tặng cho số tiền đó, thời gian, phương thức tặng cho...
Trên đây là nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng là vấn đề đạo đức xã hội, là uy tín, là danh dự, sự tín nhiệm của cộng đồng đối với người nghệ sĩ.
Trong trường hợp có kéo dài thời hạn bàn giao số tiền đó hoặc có bất kì thay đổi nào trong việc thực hiện so với cam kết ban đầu, thì nghệ sĩ cũng cần thông báo cho các bên liên quan để thỏa thuận lại các vấn đề này, đồng thời số tiền lãi phát sinh khi kéo dài thời gian thực hiện cũng sẽ thuộc về người nhận tặng cho, chứ không phải là tiền của nghệ sĩ.
Đồng thời, hành vi trục lợi, chiếm dụng vốn từ việc kêu gọi quyên góp từ thiện cho mục đích cá nhân mà chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được.
Và dù vô tình hay cố ý, sau khi nhận tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân nhưng không kịp thời chuyển cứu trợ, nghệ sĩ sẽ có thể có những dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện, phát hiện có việc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 4 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, thì người nhận ủy quyền có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tùy vào hành vi, tính chất, mức độ và các yếu tố cấu thành cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền mới có thể xác định được chính xác.