Từ stress tới viêm nặng
Chị Nguyễn Thị Thu (24 tuổi, Nam An Khánh, Hà Nội) thường xuyên bị đau bụng khoảng 1 tháng nay. Cơn đau bụng không rõ ràng, lúc đau lúc hết. Chị Thu kể cứ muốn đi khám thì lại thấy hết đau và khi nào chị có suy nghĩ, mất ngủ lại thấy đau lên.
Chị Thu quyết định đi kiểm tra sức khỏe. Qua nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện chị Thu bị viêm loét dạ dày nặng. Chị Thu đã được các bác sĩ tư vấn điều trị.
Qua tư vấn tiền sử bệnh, chị Thu kể mấy tháng nay chị chuẩn bị cho đám cưới của mình. Đám cưới diễn ra được gần 1 tháng nhưng chị Thu vẫn thấy lo lắng cho cuộc sống mới. Nhiều lần chị cảm thấy mệt mỏi, stress nặng. Khi bác sĩ chia sẻ nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, chị Thu mới tá hỏa. Do lo lắng cho cuộc sống riêng đã khiến chị bị viêm loét dạ dày.
Cùng trường hợp chị Thu, anh Hoàng Văn Định (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị viêm loét dạ dày nặng. Anh Định có dấu hiệu đau bụng khó chịu. Vợ anh lên mạng "google" triệu chứng và mua nghệ đen mật ong về cho chồng uống. Bệnh tình có vẻ tiến triển. Cơn đau bụng cũng giảm dần.
Anh Hoàng làm dân xây dựng. Ban ngày anh ở công trường, đêm về lại tranh thủ tính toán công việc, xem lại thiết kế, đủ các sổ sách. Thức khuya, ăn uống bữa sáng thành trưa, trưa thành chiều. Lúc đói có khi làm tạm gói mì tôm. Nhiều lúc anh cũng stress nặng khi tiến độ thi công chậm hơn dự kiến bên chủ đầu tư lại thúc giục.
Đó là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm dạ dày. Khi có dấu hiệu viêm, anh không đi khám mà điều trị theo "bác sĩ google". Cầm kết quả nội soi, bác sĩ lắc đầu bảo anh “sao để nặng thế này mới đi khám”. Anh Hoàng lo lắng sợ ung thư nhưng hình ảnh trên nội soi bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày, viêm trợt niêm mạc dạ dày kèm theo vi khuẩn HP hoạt động mạnh.
Theo Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đặc biệt, người mắc ung thư dạ dày đang dần trẻ hóa, đa phần dưới 40 tuổi chiếm tỉ lệ khoảng 20 – 25%. Đây là một con số đáng báo động về tình hình mắc bệnh viêm loét dạ dày.
Thủ phạm gây viêm dạ dày
Theo GS Đào Văn Long, nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tình trạng viêm dạ dày ngày càng trẻ hóa. Ngày nào GS Long cũng gặp hàng chục ca viêm loét dạ dày có trường hợp viêm nặng tới mức xung huyết, chảy máu dạ dày.
Viêm dạ dày là căn bệnh nhiều người mắc nhưng chưa được quan tâm đúng. Nhiều người còn chủ quan nội soi phát hiện viêm dạ dày về nhà sử dụng các loại thuốc dân gian trong điều trị và chỉ đến khi đau bụng nhiều, biến chứng nặng mới vào viện. Thậm chí, có trường hợp ung thư dạ dày chỉ vì chủ quan với viêm loét dạ dày ngay từ đầu.
Hiện nay, đối tượng viêm loét dạ dày tăng cao đặc biệt ở người trẻ, dân văn phòng, dân công trường, thợ cắt tóc, gội đầu. Do thói quen ăn uống không khoa học. Ăn nhiều đồ cay, nóng, chua, mặn làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày.
Khi có các cơn đau ở vùng thượng vị, đau lúc đói, đau lúc no, đau âm ỉ, đặc biệt đau tăng khi sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ăn đồ ăn chua, cay. Những dấu hiệu này báo hiệu viêm dạ dày.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tăng cao trong cuộc sống công nghiệp hiện nay chủ yếu do việc ăn uống thất thường của người dân, nhất là các bạn trẻ, ăn nhiều đồ chua cay, ăn các thực phẩm giàu natri, ăn uống không đúng bữa là tác nhân gây ra viêm loét dạ dày.
Giáo sư Long cho biết ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, thực phẩm đóng hộp cũng là thói quen gây ra các bệnh viêm loét dạ dày. Ngoài ra, áp lực cuộc sống, stress hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày. Có trường hợp cãi nhau với chồng chỉ sau 1 đêm đã bị xuất huyết dạ dày.
Tại Việt Nam, viêm dạ dày còn có sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Ước tính 70% dân số mang vi 'khuẩn HP nhưng không phải tất cả đều cần điều trị; chỉ khi nào có các triệu chứng đau bụng, ợ hơi… mới cần đi khám, bác sĩ tư vấn điều trị.
Khi có dấu hiệu bất thường cần đi kiểm tra ngay và viêm loét dạ dày cần điều trị triệt để giảm các biến chứng của bệnh.