Đi vệ sinh nhiều
Một người bình thường đi vệ sinh khoảng 6-8 lần/ngày. Nếu đi tiểu nhiều hơn con số này rất có thể nguyên nhân là do bạn đã uống quá nhiều nước.
Đi tiểu nhiều tuy không làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng việc phải đi tiểu vào ban đêm sẽ gây cản trở giấc ngủ.
Gây ra chuột rút
Uống nhiều nước có thể làm giảm mức độ điện giải của cơ thể, khiến cơ bắp gặp tình trạng chuột rút.
Lượng chất điện giải thiếu hụt trong cơ thể có thể bù bằng các loại đồ uống bổ sung điện giải cho dân thể thao.
Mệt mỏi
Bạn có thể không biết, uống nước quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng mệt mỏi.
Khi quá nhiều nước được đưa vào cơ thể, thận phải làm việc nhiều để làm việc liên tục để đưa lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi tăng lên.
Gây ngộ độc
Ths Lưu Liên Hương, PGĐ Trung tâm nghiên cứu VIAM– Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể làm hạ natri máu - nghĩa là lượng natri trong máu bị tụt xuống thấp. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
Natri giúp cân bằng lượng lượng trong và ngoài tế bào. Uống quá nhiều nước khiến sự cân bằng bị phá vỡ, nước từ máu đi vào tế bào, khiến tế bào trương phồng. Sự trương phồng của tế bào não là vô cùng nguy hiểm, cần phải điều trị ngay.
Theo Ths Hương, triệu chứng hạ natri máu do uống quá nhiều nước tương đối giống với say nóng, kiệt sức. Bệnh nhân có thể cảm thấy nóng, đau đầu hoặc chỉ thấy khó chịu.
Một số triệu chứng khác có thể gặp phải là ỉa chảy, buồn nôn, nôn. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng ngộ độc nước có thể dẫn tới phù não, co giật, hôn mê.
Uống bao nhiêu nước là đủ?
Lượng nước mỗi người cần là khác nhau. Nhu cầu uống nước có thể được tính dựa vào cân nặng, tuổi và mức độ hoạt động thể lực. Chẳng hạn như người lớn, không hoạt động thể lực cần khoảng 35ml nước/kg; người hoạt động thể lực cần 40ml/kg.
Nguồn nước bổ sung chính nên là nước đun sôi để nguội.
Ngoài ra, có thể bổ sung các loại nước ép trái cây, rau củ, sữa...