Khi bị chóng mặt, nếu người bệnh cảm thấy không ổn thì đừng ngần ngại đến bệnh viện ngay để được kiểm tra, theo Reader’s Digest.
Trong trường hợp chóng mặt liên quan đến các vấn đề sức khỏe thông thường, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp sau:
1. Uống nước trước khi ăn
Trong một số trường hợp, ăn có thể làm giảm huyết áp và gây chóng mặt, nặng đầu. Tình trạng này được gọi là tụt huyết áp sau bữa ăn, theo Reader’s Digest.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Clinical Nutrition phát hiện uống một ly nước vào thời điểm 15 phút trước khi ăn có thể giúp tránh bị tụt huyết áp sau bữa ăn.
2. Tránh tắm nước nóng quá lâu
Tắm nước nóng thường mang lại cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, khi tắm quá lâu, nhiệt độ ấm của nước sẽ làm giãn các mạch máu. Hiện tượng này có thể dẫn đến tụt huyết áp tạm thời, Reader’s Digest dẫn lời chuyên gia y học lâm sàng Tania Elliott tại Trung tâm y tế NYU Langone (Mỹ).
Để giảm nguy cơ bị tụt huyết áp khi tắm bằng nước nóng, các chuyên gia khuyến cáo không nên tắm lâu quá 10 phút. Ngoài ra, nước chỉ nên ở mức độ ấm vừa phải, không nên quá nóng.
3. Bạch quả
Bạch quả được biết đến là loại thảo mộc có tác dụng bổ não. Y học cổ truyền ở một số nước châu Á từ lâu đã dùng bạch quả để trị chóng mặt, tăng cường lưu thông máu đến não.
Trong một nghiên cứu công bố trên chuyên san International Journal of Otolaryngology, các nhà khoa học đã so sánh hiệu quả của bạch quả với betahistine, loại thuốc thường được dùng để trị chóng mặt. Nghiên cứu phát hiện bạch quả và betahistine đều có tác dụng tương đương nhau nhưng bạch quả ít tác dụng phụ hơn.
4. Uống đủ nước
Sau khi ngồi một lúc lâu thì đứng dậy đột ngột có thể gây cảm giác chóng mặt. Hiện tượng này gọi là hạ huyết áp tư thế đứng. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi tư thế đột ngột và mất nước.
Vì vậy, để tránh chóng mặt do hạ huyết áp tư thế đứng, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người nên uống đủ nước, đặc biệt là khi cơ thể đang bệnh, đang chơi thể thao hay thời tiết nắng nóng, theo Reader’s Digest.