Tình cảm khăng khít
Ông Trần Quảng (Trung Quốc), năm nay 58 tuổi là một cựu chiến binh. Sau khi giải ngũ, ông và vợ mở một trang trại chăn nuôi lợn và bắt đầu công việc kinh doanh. Khi ấy, 2 vợ chồng chỉ có vỏn vẹn 5000 NDT (17 triệu đồng), cùng với việc không có nhiều kinh nghiệm nên ông phải theo học anh họ của mình.
Trang trại học khá xa nhà, nên ông đã phải ở tạm nhà người đồng đội cũ là Giang Minh. Hai người nhập ngũ cùng năm, cùng quê nên rất thân nhau.
Thế nhưng hoàn cảnh của gia đình ông Giang cũng không được tốt. Sau khi giải ngũ, ông làm công nhân cho đội xây dựng của làng, còn vợ ông làm cho một xưởng may nhỏ của huyện.
Hết một tháng học, ông Trần để lại cho đồng đội 300 NDT (1 triệu đồng), nhưng ông Giang nhất định trả lại.
Sau khi trở về, ông bắt đầu xây dựng chuồng lợn. Hai vợ chồng muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên gần như đã tự mình làm mọi thứ. Sau 5 năm, trang trại lợn của ông Trần bắt đầu tăng trưởng mạnh, họ bán được rất nhiều lợn và kiếm được 1 khoản lớn.
Vào một ngày, ông Giang bỗng nhiên tới thăm và ngỏ lời muốn vay ông Trần 80.000 NDT (272 triệu đồng) để mở công ty.
Khi ấy với gia đình ông, đây là một số tiền khá lớn nhưng ông vẫn quyết định cho đồng đội của mình mượn, mặc cho vợ ngăn cản.
Những năm sau, Giang Minh cũng thường đến nhà để gặp gỡ, nhưng ông ấy chưa bao giờ đề cập đến việc trả tiền.
Biến cố ập đến
9 năm trôi qua, gia đình ông Trần đột nhiên gặp một biến cố lớn. Dịch truyền nhiễm xảy ra trong chăn nuôi lợn khiến toàn bộ số lợn trong thôn đều bị sốt cao, gây thiệt hại nặng nề.
Nhà ông Trần cũng không ngoại lệ khi có hơn 400 con bị ảnh hưởng và hơn chục con chết mỗi ngày. Tệ hơn nữa là vợ ông lại đổ bệnh. Khi đi khám, bác sĩ báo bà bị suy thận, đây là một cú sốc lớn đối với gia đình ông.
Mỗi ngày, họ đều tốn rất nhiều tiền cho việc chạy thận, cộng với việc trang trại thua lỗ, số tiền gia đình dành dụm bao năm gần như được tiêu hết chỉ trong thời gian ngắn.
Ông Trần vừa phải chăm sóc vợ, vừa phải quản lý trang trại lợn, điều khiến ông suy kiệt về cả thể xác lẫn tinh thần. Nhìn đàn lợn chết từng con, không còn tiền mua thuốc, khiến ông đau lòng vô cùng.
Ông Trần bắt đầu dành dụm tiền, vay hết những người thân bạn bè. Nhưng gần như, ông chẳng mượn được nhiều.
Tình trạng của vợ ông Trần càng ngày càng nghiêm trọng, cách duy nhất có thể cứu sống bà là ghép thận. Việc này sẽ tiêu tốn khoảng hơn 350.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng).
Không còn cách nào khác, ông phải tìm đến nhà Giang Minh để tìm sự giúp đỡ. Thế nhưng hơn 1 năm rồi ông ấy chưa trở về nhà, gọi điện thoại cũng không thể liên lạc được.
Món quà bất ngờ
Những ngày sau đó, ông vô cùng tuyệt vọng, không biết phải làm thế nào. Khi ông đang phân vân có nên bán căn nhà không thì y tá thông báo, sẽ sắp xếp phẫu thuật cho vợ ông vào ngày mai. Ông bối rối nhìn vợ, ông không biết vì sao số tiền đó lại được thanh toán hết.
Khi đang hoang mang thì ông nhìn thấy một bóng lưng rất quen bước vào phòng bệnh, hóa ra đó là Giang Minh. Khi ấy, ông mới biết ai là người trả viện phí cho mình.
Ông Giang xin lỗi vì đã đến muộn và vì ông mất điện thoại mấy hôm nay nên không thể phản hồi hay liên lạc được. Ca phẫu thuật thành công và vợ ông đã được xuất viện 1 tuần sau đó. Ngày ra viện, vợ chồng ông Giang đều tới chúc mừng, họ vui vẻ như một gia đình với nhau. Vợ ông Trần cũng dần hồi phục, họ bắt đầu làm lại sự nghiệp của mình.
Trong cuộc sống, việc gặp khó khăn là điều bình thường, nhưng thật tuyệt vời nếu chúng ta vẫn còn gia đình, bạn bè, đồng đội thân thiết bên cạnh. Chính những tình cảm ấy sẽ giúp chúng ta vực dậy, vượt lên nghịch cảnh. Hãy luôn trân trọng và yêu thương những người thân bên cạnh chúng ta.