Do vậy, tôi rất lo lắng. Tôi định chích ngừa ung thư CTC, nhưng nghe mọi người nói thuốc chỉ hiệu quả với người chưa quan hệ tình dục. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp trường hợp nào có thể chích ngừa ung thư CTC?
Lê Thị Kim Anh (TP.HCM)
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng khoa Xạ 2 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM kiêm Trưởng bộ môn Ung thư Trường đại học Y Dược TP.HCM - trả lời: Ở Việt Nam, ung thư CTC đứng thứ hai về mức độ phổ biến ở phụ nữ, sau ung thư vú.
Bệnh ung thư CTC do nguyên nhân duy nhất là vi-rút HPV. Nhưng yếu tố nguy cơ thì có nhiều như: quan hệ tình dục (QHTD) bừa bãi, sinh con đầu sớm, sinh nhiều con, sử dụng rượu bia, thuốc lá...
Cách phòng ngừa vi-rút này hiệu quả nhất là chích ngừa HPV, còn gọi là vắc-xin ngừa ung thư CTC. Hiện nay, độ tuổi khuyến cáo chích ngừa HPV là từ 9-26 tuổi. Với người chưa QHTD thì việc chích ngừa rất hiệu quả.
Còn với những người đã QHTD, đồng nghĩa với việc đã có sự tiếp xúc với nguồn nhiễm HPV, nên việc chích ngừa có thể không đạt hiệu quả cao nhất - chứ không phải là không có hiệu quả. Do vậy, trường hợp của bạn vẫn cần và nên chích ngừa để phòng tránh HPV.
Có một điều cần giải thích rõ: tuy những người đã QHTD có nguy cơ cao nhiễm HPV, nhưng vi-rút này hầu hết (80-90%) sẽ bị cơ thể loại thải trong vòng sáu tháng sau khi nhiễm.
Chỉ có khoảng 20% là tồn tại và phải qua nhiều năm - có khi cả chục năm mới gây tiền ung thư. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn này thì khả năng điều trị khỏi là 100%, chứ không phải ai bị nhiễm HPV cũng đều bị ung thư CTC.