Theo các chuyên gia, tiêm phòng ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất đối với nữ từ 9-26 tuổi chưa từng quan hệ tình dục. Nhưng khi đã có quan hệ tình dục hay thậm chí nạo hút thai, chị em phụ nữ vẫn nên đi tiêm phòng khi đang còn trong độ tuổi quy định.
Tuy nhiên, đối với trường hợp khi đã tiêm phòng rồi và sau đó phát sinh quan hệ, mặc dù sẽ không ảnh hưởng nhiều kết quả phòng ngừa của vacxin, nhưng các chị em cần phải có biện pháp bảo vệ an toàn khi “yêu”. Hơn nữa, vì có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau, nên dù có quan hệ rồi các chị em vẫn phải tiêm phòng đúng và đủ các mũi tiêm theo chỉ định. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý một số điều sau:
Phát sinh quan hệ trong khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần lưu ý những gì?
Đang trong thời kì tiêm phòng vacxin ngừa ung thư cổ tử cung, khi quan hệ các chị em nên yêu cầu đối tác sử dụng bao cao su. Bởi bao cao su có tác dụng bảo vệ lên đến 98%, giúp các chị em và đối tác tránh được nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội nói chung và HPV nói riêng, cũng như không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả tiêm phòng. Ngoài ra, các chị em không nên “yêu” nhiều người cùng lúc, bừa bãi.
Trong trường hợp muốn mang thai thì các chị em cần phải để cách mũi tiêm ít nhất là 3 tháng. Khi đã mang thai thì không được tiêm phòng ngăn ngừa chống ung thư cổ tử cung, tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh đó, khi đã có quan hệ tình dục dù đã tiêm ngừa HPV thì các chị em vẫn nên thực hiện tầm soát bằng Pap smear, có nghĩa là xét nghiệm ung thư tế bào cổ tử cung. Xét nghiệm này dễ thực hiện, không gây khó chịu, có hiệu quả rất tốt, giúp phát hiện sớm những tổn thương nghi ngờ ác tính trên cổ tử cung, để có thể điều trị hiệu quả.
Hiện không có các khuyến cáo không được quan hệ khi tiêm phòng HPV. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và yên tâm trong thời gian thực hiện việc chích ngừa vacxin phòng ung thư cổ tử cung thì tốt nhất các chị em vẫn nên kiêng quan hệ tình dục. Bởi vì lúc này vacxin chưa tạo kháng thể, do đó không nên quan hệ để tránh khả năng lây nhiễm bệnh cho nhau.
Tiêm phòng vacxin là cách ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất
Cũng giống như bất cứ sự tiêm chủng nào, tiêm phòng HPV không thể phòng bệnh 100%. Nhưng nó vẫn là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Mỗi năm trên thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, từ khi áp dụng việc tiêm phòng vanxin phòng ngừa thì số lượng phụ nữ bị mắc phải ung thư cổ tử cung giảm hẳn. Chính vì vậy, các chuyên gia, bác sĩ khuyên nữ giới cần chú ý hơn đến vấn đề này.
Ung thư cổ tử cung sẽ xuất hiện các tế bào ung thư ở phần nối giữa tử cung và âm đạo. Đây là căn bệnh được xếp vào loại bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiêm vacxin, các chị em cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, thường xuyên vận động, tập luyện, khám sức khoẻ định kỳ... để có thể phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả nhất.