Zing.vn có cuộc trò chuyện với Chí Trung ngay tại phòng làm việc của anh tại Nhà hát Tuổi trẻ. Gần 2 năm trên cương vị đứng đầu nhà hát, nam nghệ sĩ đã có nhiều cố gắng duy trì sự tồn tại của nhà hát trong bối cảnh sân khấu ngày càng khó khăn, thưa vắng khán giả.
Thời gian qua, Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều hoạt động sôi nổi, dàn dựng nhiều vở diễn mới. Nhà hát cũng vừa ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới và ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của nhà hát.
"Chúng tôi đang cố gắng tồn tại để chờ ngày mai tươi sáng hơn", vị giám đốc nói.
Sân khấu và truyền hình phải nương tựa vào nhau
- Có ý kiến cho rằng sự bùng nổ của truyền hình là một trong những nguyên do khiến sân khấu thưa vắng khán giả. Tại sao Nhà hát Tuổi trẻ lại tổ chức chương trình giao lưu với diễn viên phim "Quỳnh búp bê" như nhằm mục đích quảng bá cho truyền hình?
Bạn từng nghe câu “chung sống với lũ” chưa? Khi đã là lũ, chúng ta không thể chống lại, mà phải bơi cùng, thậm chí xây bể bơi để tập bơi.
Đừng coi truyền hình là kẻ thù của sân khấu. Chính truyền hình đã đưa những diễn viên của chúng tôi từ bình thường thành ngôi sao. Vậy thì việc gì phải e ngại. Tôi coi đó là con sóng, và sân khấu có thể nương nhờ những con sóng đó và lướt ván.
Tất cả là kẻ thù của lẫn nhau, phim ảnh là nạn nhân của truyền hình, truyền hình lại là nạn nhân của công nghệ. Giờ mọi thứ đều phát triển, công nghệ, mạng xã hội bùng nổ, truyền hình cũng có nhiều khó khăn. Do vậy, càng phải nương tựa vào nhau. Về sân khấu, tôi nghĩ sân khấu luôn có khán giả của riêng mình.
- Gần đây, nhà hát Tuổi trẻ tổ chức nhiều hoạt động bên lề. Đó là động thái để kéo khán giả đến với sân khấu?
Chúng tôi thay đổi bộ nhận diện mới, bán vé online, thay đổi cách quảng bá, truyền thông. Nhưng nói để kéo khán giả đến với sân khấu thì khó.
Chúng tôi biết tại sao sân khấu thưa vắng khán giả. Thử đặt mình vào vị trí khán giả. Đi làm cả ngày, khi tan ca thì tắc đường, rồi về đón con, nấu ăn, giặt giũ. Tối lại cho con học, thời gian đâu để đến với sân khấu. Sân khấu đương nhiên phải đối mặt với những vấn đề đó.
Chúng tôi đang cố gắng tồn tại để chờ ngày mai tươi sáng hơn. Ai cũng có quyền hy vọng, khi cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn, giảm khó khăn hơn. Khi ăn người ta còn chẳng muốn ăn, người ta sẽ quan tâm đến mặc. Mà đã mặc thì phải có chỗ để “trưng” ra, và họ đến với sân khấu.
- Từ khi trở thành Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh thấy mình đã làm được những gì?
Nhà hát Tuổi trẻ có rất nhiều thành tố. Từ năm 1998, chúng tôi đã đi đầu trong nhiều cuộc cách mạng. Ở góc độ cá nhân, có thể bây giờ là giám đốc, mọi người mới để ý đến tôi. Nhưng tôi đã đứng sau nhiều đời giám đốc, đưa ra nhiều ý kiến và đều được các chú, các anh ghi nhận.
Nhà hát Tuổi trẻ luôn luôn thay đổi. Tất nhiên, tôi đóng góp một phần. Thú thật là khi có quyền lực bạn làm gì cũng dễ hơn, nhưng tôi đã “sùng sục” như vậy suốt 20-30 năm nay rồi.
Không biến mình thành "kẻ ăn mày vĩ đại"
- Gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ có sửa chữa lại không gian. Trong bối cảnh sân khấu khó khăn, kinh phí từ đâu?
Chúng tôi là một trong 13 nhà hát công lập đang được nuôi dưỡng. Dù tiền lương ít ỏi, nhưng mọi vấn đề sửa chữa vật chất đều được bao cấp.
Nhiệm vụ của chúng tôi là mỗi năm có 5 tiết mục đặt hàng với kinh phí đầu tư là hơn 3 tỷ. Nhà nước đã đầu tư như vậy làm sao phải có vở diễn chất lượng, tôi quan niệm chất lượng vẫn là yếu tố quyết định, còn những thứ khác chỉ là “hoa hòe, hoa sói”.
- Nhiều người bảo anh rất giỏi xin tài trợ cho nhà hát. Thông tin ấy đúng không?
Nếu có tài trợ, tôi nghĩ đó là vì thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ thuyết phục được góc nhìn của doanh nghiệp. Còn tôi không phải và cũng không bao giờ biến mình và nhà hát thành “kẻ ăn mày vĩ đại”.
- Nhiều nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng nhờ truyền hình. Nhà hát cũng đang sử dụng các “ngôi sao truyền hình” để quảng bá sân khấu. Đó có phải là cách làm ngược?
Tất cả nghệ sĩ đều khốn khó như nhau, dù là phim ảnh, âm nhạc, hội họa hay sân khấu. Ở một góc độ nào đó, tôi là một lãnh đạo cấp tiến, tôi kết nối tất cả thành sức mạnh, miễn để sân khấu sáng đèn. Làm sao để diễn viên ở lại với nhà hát, khán giả đến với sân khấu là nhiệm vụ tôi phải làm. Tôi sẽ làm bằng mọi cách, chứ không... quy trình đúng hay ngược gì cả.
"Rất thích nếu được mời đóng Táo Quân 2019"
- Gần đây, anh cũng tham gia phim truyền hình, thậm chí đóng cả ngoại truyện "Quỳnh búp bê". Là do là anh nhớ nghề hay cũng muốn dùng hình ảnh của mình đã quảng bá cho sân khấu?
Tôi đóng vì có lời mời. Tôi không bao giờ làm phim vì quảng cáo hay vì lý do nào khác. Tôi cũng chưa bao giờ xin đạo diễn cho vai để đóng. Đó là tự trọng của tôi, từ khi mới bước chân vào nghề này.
Tôi chỉ nhận lời khi đó là kịch bản tốt, có giá trị về nghệ thuật, hoặc đôi lần có giá trị về thương mại. Còn tôi chưa đặt chân đến đài để xin vai bao giờ.
- Vậy nếu được mời tham gia Táo Quân 2019, cảm hứng của anh thế nào?
Thích quá chứ, bởi vì tôi sẽ được thành công, được vang dội, lại được cả tiền. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kịch bản phải hay.
- Anh từng nói như "đinh đóng cột" rằng Táo Quân 2018 sẽ là lần cuối cùng anh tham gia. Tại sao mọi thứ lại thay đổi nhanh đến thế?
Không phải ngẫu nhiên tôi nói như vậy, cái gì cũng có lý do của nó, từ chối là có thật, và sau đó được thuyết phục cũng là có thật. Như tôi nói, tôi vẫn sẽ tham gia nếu kịch bản hay.