Trong cuộc sống, vì những lợi ích dù lớn hay nhỏ, con người ta sẵn sàng tử bỏ luân lý, đạo nghĩa để chiếm lấy, giành giật. Con đánh cha, chồng đánh vợ, ... Làm theo lời Đức Phật, hãy bỏ đi mưu cầu tư lợi,cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao.
Xã hội luôn tồn tại người này, người khác. Không một ai có thể dung hòa cả thế giới này. Một khi tất cả thuận theo ý mình, lòng kiểu ngạo lại nổi lên. Vì vậy, tại sao mình lại không thuận theo ý người khác? Con người vì sự cố chấp, chấp chặt như vậy cho nên phiền não và khổ đau lâu dài!
Độ lượng
Thời còn tại thế, Đức Phật khuyên hàng môn đệ không nên giận dữ, bất mãn, thù hận nếu có ai nói xấu Ngài cũng như Giáo Pháp, Giáo Hội do Ngài sáng lập. Đức Phật dạy:
“Nếu các con giận dữ, bất mãn, hay không vui lòng, chẳng những các con tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm có thể mất cả nền tảng đạo đức tinh thần mà các con còn không thể xét đoán đúng mức lời chỉ trích có giá trị hay không… Cũng như người kia ngửa mặt phun nước dãi lên trời. Nước dãi không hẳn làm bẩn trời, mà chỉ rơi xuống người ấy”.
Đúng như vậy, con người sống ở trên đời, không cần thiết việc gì cũng phải quá minh bạch, rõ ràng, bởi “nước trong quá thì không có cá, còn người thanh cao quá thì không ai chơi”. Khi bạn tranh giành với người nhà, tình thân sẽ rạn nứt; tranh giành với người yêu, tình yêu sẽ phai nhạt; tranh giành với bạn bè, tình nghĩa sẽ tan vỡ.
Tranh giành là lý trí, nhưng thua lại là tình cảm, tổn thương vẫn là chính mình. Đen là đen, mà trắng là trắng, thời gian sẽ chứng minh tất cả. Buông bỏ sự cố chấp của bản thân, làm một người độ lượng, làm việc không so đo, sẽ thắng cả cuộc đời; thêm một chút hòa nhã, một chút dịu dàng, cuộc sống sẽ tràn ngập ánh nắng mặt trời.
Buông bỏ
Buông bỏ là một nghệ thuật và là một sự thực tập rất cần thiết để chúng ta cởi trói những ràng buộc của Thân tâm, để trả lại cho ta sự tự do đích thực. Hãy nhìn sâu vào những điều kiện mà ta nghĩ là cần thiết cho hạnh phúc của ta và xét xem chúng có thực sự đem lại niềm an lạc và hạnh phúc cho Ta hay không, hay chúng đang hủy hoại ta, trói buộc ta, đang giam hãm Ta trong ngục tối của phiền muộn, lo âu và sợ hãi?
Nhận ra được những sợi dây đang trói buộc mình rồi thì ta phải đủ can đảm để quyết tâm dứt lìa và tháo tung những xiềng xích ấy đi.
Ta thường chủ quan với những cái gai rất nhỏ, có thể chỉ là một lời nói không dễ thương của một ai đó, hay một cái nhìn thiếu bao dung, hay những vụng về lầm lỗi của người thương cứ lập đi lập lại nhiều lần, nhưng Ta đã ghim nó vào sâu trong tâm thức ta hàng tuần, hàng tháng.
Hãy bắt đầu từ những cái gai nho nhỏ đó, đừng biến mình thành nạn nhân của những khó khăn, khổ đau ấy. Thân thể ta ngày một gầy guộc, tâm hồn ta ngày một nặng nề và bế tắc cũng đi từ những cái gai rất nhỏ mà có thể Ta đã nghĩ chúng chẳng bao giờ có khả năng ràng buộc được ta!
Đôi khi ta cũng phải biết buông bỏ bớt công việc, buông bỏ bớt những tính toán lo toan, những dự án , kế hoạch, những suy nghĩ miên man hay những tri kiến của mình về người này người kia. Càng buông được bao nhiêu thì cái không gian khoáng đạt trong lòng ta càng rộng lớn thênh thang bấy nhiêu.
Buông bỏ để nhìn mọi người bằng một cặp mắt mới. Có như thế thì lòng ta mới khỏe nhẹ an vui, tâm ta mới bao la rộng mở và ta sẽ cho người kia cơ hội để chuyển hóa. Buông được thì tự do có mặt tức thì.
Nhân tâm
Đừng coi sự lương thiện của người khác là mềm yếu, bởi đó là một loại độ lượng; đừng xem sự khoan dung của người ta là nhu nhược, bởi đó là một kiểu từ bi. Người tâm tính tốt không dễ nổi nóng, nhưng không có nghĩa là họ không biết tức giận; người lãnh đạm chỉ giả vờ hồ đồ, nhưng không có nghĩa là họ nhìn không thấu.
Tình cảm, không thể qua loa đại khái; nhân tâm, không thể đem ra chơi đùa; duyên phận, không thể phung phí bừa bãi. Lấy tình đổi tình, mới có được tình yêu thật sự; yêu thương bình đẳng, mới có được tình cảm chân chính.