Do đâu khoai mì có thể gây chết người? Phòng tránh bằng cách nào?
Ảnh minh hoạ: Internet
Dấu hiệu ngộ độc khoai mì
Mới đây, 3 cháu bé tại Buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk bị ngộ độc do ăn khoai mì, 1 cháu (6 tuổi) tử vong. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, lượng axit cyanhydric (HCN) đã hấp thụ trong cơ thể đứa trẻ tử vong là 148mg.
Theo nghiên cứu, khi hàm lượng HCN cao trong thức ăn chế biến từ khoai mì vào cơ thể người sẽ gây ngộ độc thực phẩm. Liều gây độc cho một người lớn là 20mg HCN, liều gây chết người là 50mg HCN cho mỗi 50kg thể trọng. Các nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm do HCN trong khoai mì là do sử dụng khoai mì đắng, khoai mì cao sản (khoai mì công nghiệp) có chứa hàm lượng HCN cao; sơ chế và chế biến không bảo đảm an toàn (chưa bóc hết vỏ khoai mì trước khi luộc, chưa rửa và ngâm sạch và luộc khoai mì chưa kỹ…).
Các biểu hiện chính khi ngộ độc HCN cấp tính ở người là hội chứng nhiễm độc thần kinh. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc nhanh chóng sau khi ăn khoai mì với các biểu hiện lâm sàng như: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy; ù tai, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi chân tay, đi không vững, có thể biểu hiện nặng hơn là co giật, hôn mê; khó thở, suy hô hấp cấp, biểu hiện xanh tím, giảm huyết áp, tăng nhịp tim… Nếu bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ảnh minh hoạ: Internet
Phòng tránh ngộ độc ra sao?
Theo các bác sĩ, khoai mì cần gọt, bóc vỏ kỹ, rửa ngâm nước sạch, luộc mở vung và nấu chín kỹ trước khi ăn. Khi ăn khoai mì, thấy có vị đắng thì không nên ăn. Không ăn khoai mì vào buổi sáng sớm, ăn khi đói.
Tuyệt đối không sử dụng khoai mì đắng, khoai mì cao sản để chế biến thức ăn. Khi nghi ngờ là khoai mì độc, tuyệt đối không sử dụng để ăn.
Nên ăn khoai mì luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit độc trong khoai.
Không nên ăn khoai mì luộc vào buổi tối vì nếu bị ngộ độc, nạn nhân đang ngủ sẽ khó phát hiện.
Khi phát hiện người bị ngộ độc khoai mì, phải nhanh chóng loại trừ tác nhân gây ngộ độc bằng cách gây nôn chủ động trước 30 phút sau ăn và khi bệnh nhân tỉnh. Cho bệnh nhân uống dung dịch đường (tốt nhất là đường glucosa 30 – 50%) và chuyển đến cơ sở điều trị gần nhất.